Chưa năm nào, công gặt đắt như năm nay, mà cũng không dễ tìm. Trước cơn bão số 2, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện An Lão, Kiến Thụy, quận Kiến An… Hải Phòng đã tranh thủ gặt hoặc thuê được người cấy. Còn lại khá nhiều diện tích lúa bị ngấm nước đổ rạp xuống, thậm chí lúa chín rơi rụng khắp đồng.
Thanh niên đi làm ăn xa về nhà phải lao vào gặt giúp gia đình. |
Trả công cao vẫn khó tìm người
Chị Nguyễn Thị Sen ở xã Quốc Tuấn, huyện An Lão có 7 sào ruộng, lúa đã chín rộ nhưng nhà neo người nên chưa gặt được. Chị tất tưởi đạp xe hết làng trên, xóm dưới để tìm người gặt thuê với giá 150.000-200.000 đồng/sào mà không mượn được ai. Chị Sen lo lắng nói: “Lúa chín rục mà không mướn được người thì chỉ có bỏ vì vài hôm ngâm nước là lúa mọc mầm”.
Tương tự với cảnh nhà chị Sen, nhà bà Trần Thị Thoa ở xóm Độc Lập, phường Đồng Hoà, quận Kiến An chia sẻ: Nhà bà có gần 1 mẫu ruộng, không thuê được người nên cả nhà phải gặt liên tục cả tuần nay khiến chất lượng lúa không đẹp.
Bà Thoa cho biết thêm: Ở một số địa bàn huyện ngoại thành như An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo đường vào đồng dễ còn thuê được người gặt và gánh lúa. Đằng này, khu nhà bà là quận nên xung quanh toàn nhà và khu công nghiệp, hệ thống đường vào ruộng rất khó khăn, muốn gánh lúa ra phải đi rất xa nên người gặt thuê cũng ngại. Công gánh cũng khá cao, lên đến 300.000 đồng/ngày nhưng vẫn phải chấp nhận. Có ruộng lên đến 500.000 đồng/ngày cũng không thuê nổi người.
Hộ chị Nguyễn Thị Tình ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên cũng rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười. Mặc dù chị đã trực tiếp liên hệ cả chục người trước một tháng khi vào mùa gặt nhưng đến hôm gặt chỉ có chị và một người hàng xóm đến đổi công. Những người còn lại đều cáo bận và đi làm ăn xa khiến lúa bị mộng, hỏng hết.
Osin cũng về nhà “đổi công”
Trước tình trạng thiếu người gặt, công gặt tăng cao, nhiều lao động nữ nông thôn đi làm giúp việc gia đình ở thành phố nhao về nhà “làm thêm”. Chị Nguyễn Thị Lan (xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội) đi giúp việc ở phố Quan Nhân (Hà Nội) xin chủ nhà cho nghỉ 3 ngày về gặt lúa nhà mình. Tuy nhiên, gặt xong thấy giá gặt thuê ở quê cao, 200.000-300.000 đồng/ngày nên đã ở nhà thêm 2-3 tuần, mặc chủ nhà nhăn nhó, khổ sở gọi xuống trông con để họ còn đi làm.
Nhà anh Trần Văn Hùng cũng ở cụm 4 (Đại Từ, Thái Nguyên) vốn làm nghề thổi kèn hiếu, nhà chỉ còn 3 sào ruộng nhưng không có người gặt. Đi thuê người gặt mà không có ai rảnh. Nếu bỏ lúa rơi rụng ngoài đồng cũng không đành nên anh bỏ việc về gặt. Thấy vậy, cả mấy anh em trong đội kèn trống, tập trung vào gặt giúp. Sau đó phân công người bó lúa, người gánh lúa.
Còn nhà ông Phạm Văn Viễn cùng khu, không tìm được người gặt nhưng may mắn có cậu con trai mới đi lao động Hàn Quốc về thăm nhà cũng phải lao vào gặt phụ bố mẹ.
Nhiều nông dân than rằng, không cấy, ruộng để bỏ không cũng phí. Mà cấy thì trang trải được tiền gạo hàng năm nhưng cứ tình trạng hiếm người gặt đổi công hoặc gặt thuê như hiện nay người có ruộng cũng không biết nên thế nào?
Trần Phượng - Phương Anh