Dân Việt

Thanh Hóa: Cao su mở lối thoát nghèo

06/12/2012 10:26 GMT+7
(Dân Việt) - Với tổng diện tích cao su khoảng 16.000ha, cây trồng này đang thực sự trở thành chìa khóa để giúp các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo, làm giàu...

Thích hợp thổ nhưỡng địa phương

Là cây trồng phổ biến ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong mấy năm gần đây, cây cao su đã bắt đầu “Bắc tiến”. Kết quả thực tế cho thấy, Thanh Hóa là địa bàn có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai phù hợp với cây cao su.

img
Anh Bùi Văn An ở xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có 15ha cao su, mỗi năm thu về tới 1,5 tỷ đồng.

 

Hiện cây cao su đã phủ xanh các khu đất trống đồi núi trọc ở hầu khắp các huyện miền núi Thanh Hóa như Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy... Riêng tại huyện Ngọc Lặc, hiện đã có 1.000/2.000ha cao su cho khai thác với tổng sản lượng đạt khoảng 900 tấn/năm, năng suất đạt 1,1 tấn mủ khô/ha/năm, giá trị trung bình ước đạt 71 triệu đồng/ha/năm.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh – Phó phòng NNPTNT huyện Ngọc Lặc cho biết: “Ngọc Lặc là vùng ít gió, đa số là đất thịt, đất đỏ bazan nên rất thích hợp với cây cao su. So với cao su cùng tuổi trồng ở niềm Nam, cao su ở Ngọc Lặc cho thu nhập đạt khoảng 80%. Thuận lợi nhất khi phát triển cao su ở Ngọc Lặc là diện tích liền khu, độ dốc thấp”.

Xuất hiện nhiều tỷ phú cao su

Năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch trồng mới khoảng 2.500ha cao su, trong đó diện tích trồng mới cao su tiểu điền khoảng 2.100ha, cao su đại điền 400ha, với kinh phí 22 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng các mô hình cao su tiểu điền. Gia đình thương binh Bùi Văn Hóa ở thôn 10, xã Ngọc Liên (huyện Ngọc Lặc), từ năm 1999 đã trồng 7ha cao su. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi cao su cho thu hoạch, ước tính mỗi năm ông thu về hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Hà Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, giá trị cây cao su đem lại cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác như ngô, lạc… song không vì thế mà phát triển ồ ạt, bởi cần có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả thực sự của cây trồng này.

Cũng ở xã Ngọc Liên, anh Bùi Văn An được nhắc đến như một “đại gia vàng trắng”. Anh có tới 15ha cao su, trong đó 13ha đã cho thu hoạch. Đưa chúng tôi đi thăm lô cao su bằng “xế hộp”, anh An tự hào nói: “Tôi trồng cao su từ năm 1998, khi đó bà con nơi đây còn rất lạ lẫm với loại cây này, cả tôi cũng vậy.

Anh An chia sẻ: “Thực ra, trồng cao su rất dễ, quan trọng nhất là giống, có giống tốt và mình chịu khó chăm sóc đúng kỹ thuật là có thu nhập”. Năm 2010, cao su được giá anh thu về 1,5 tỷ đồng, năm 2011 cũng thu khoảng 1,4 tỷ đồng và hiện đang tạo việc làm cho 14 công nhân, với lương từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.