5 năm kiệt quệ vì bệnh
TS-Bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch (Khoa C8) - Viện tim mạch quốc gia thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh lý của bệnh nhân Hoa hết sức phức tạp. Từ năm 2012, chị Hoa đã phát hiện ra mình bị phình động mạch chủ (ở tim), mạch phồng nên được can thiệp mạch, đặt stend (những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào trong lòng mạch vành, nhằm mục đích mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ nó không hẹp lại- PV) để ngăn nguy cơ làm bị vỡ mạch. Tuy nhiên, sau đó, chị Hoa đã bị các tai biến khiến bệnh tình trầm trọng hơn.
Bác sĩ Dương Đức Hùng chúc mừng vợ chồng chị Hoa được về đoàn tụ với các con.
“Trước khi phát hiện bệnh, tôi và chồng lên Hà Nội làm lao động tự do. Công việc chủ yếu là theo các đội thi công đi đập phá các công trình hoặc bê vác hàng. Sức tôi rất “trâu bò”, lao động quần quật cả ngày mà không biết mệt mỏi” – chị Hoa kể lại.
Năm 2012, chị Hoa bắt đầu thấy đau tức ngực, như thể có lưỡi dao xuyên từ đằng trước ra đằng sau. Từ đó, chị giống như con búp bê bị rút hết khí, sống èo uột, mệt mỏi. Năm nào chị cũng đi viện 2-3 lần, mỗi lần nằm viện nửa tháng đến một tháng. Năm 2014 còn đi viện đến 6-7 lần, sốt cao, ho ra máu, lúc thì kèm theo viêm phổi, lúc thì suy thận. Hai con nhỏ để cho bà nuôi dưỡng, còn chồng chị cũng không làm ăn được gì, theo chân vợ lăn lê từ bệnh viện này qua bệnh viện khác. Từ gia đình đủ ăn đủ mặc, gia đình chị Hoa rơi thẳng xuống hộ nghèo, thậm chí dưới đáy của hộ nghèo vì sức lực là vốn quý cuối cùng thì chị cũng không còn. Cả nhà sống lay lắt bằng sự trợ giúp của mọi người xung quanh.
Đến tháng 11.2015, chị Hoa liên tục sốt cao, nôn ra máu, đau đớn toàn thân, suy kiệt đến mức thở không xong nên anh Nguyễn Văn Tưởng – chồng chị Hoa cố gắng gom góp chút tiền cuối cùng đưa vợ đi viện. “Lúc bệnh nhân Hoa nhập viện chỉ còn hơn 30kg cân nặng, sức khoẻ kiệt quệ. Kết quả siêu âm cho thấy, động mạch chủ nơi đặt stend bị vỡ, kèm theo đó stend cũng gây tổn thương phổi gây khó thở, khiến bệnh nhân ho ra máu. Nguy hiểm hơn, stend còn làm thủng thực quản gây chảy máu, bệnh nhân đi ngoài phân đen. Bệnh của bệnh nhân đã rất nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào” – bác sĩ Hùng cho biết.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn để tìm cơ hội cứu sống bệnh nhân. Bệnh lý phức tạp, nhiều biến chứng, sức lực bệnh nhân lại quá yếu nên Hội đồng chuyên môn đều xác định ca mổ rất khó khăn.
Ca mổ sinh tử
Bác sĩ Dương Đức Hùng trực tiếp nhận cầm dao mổ. Bệnh nhân được phẫu thuật lấy stend. Tuy nhiên, đoạn động mạch tại nơi đặt stend đã trở thành ổ nhiễm khuẩn, động mạch đã hư hỏng, bị mủn nát, nên bác sĩ Hùng đã phải đóng động mạch này.
Tuy nhiên, nếu đóng động mạch này sẽ làm mất động mạch chủ bụng, không còn “đường” đưa nguồn máu đưa đến nuôi dưỡng gan và các tạng trong bụng, chi dưới. Do đó, bác sĩ lại phải mở một “đường máu” mới bằng đoạn máu nhân tạo nối động mạch nách đến động mạch chậu để tiếp tục duy trì việc đưa máu đến nuôi các tạng và nửa dưới cơ thể.
Bác sĩ Dương Đức Hùng chia sẻ về các kỹ thuật khó trong ca của bệnh nhân Hoa.
Chưa hết, stend gây tổn thương phổi khiến phổi nhiễm trùng nên các bác sĩ lại phải tiến hành cắt phần phổi hư hỏng của bệnh nhân đi. Stend cũng đâm thủng thực quản nên các bác sĩ lại tiếp tục vá vết thủng, tạo hình lại thực quản. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bệnh nhân tạm thời không thể ăn uống, cho đến khi thực quản lành sẹo. Do đó, các bác sĩ lại tiếp tục mở thêm một “cái miệng” khác, trực tiếp nối với dạ dày để bệnh nhân ăn thông qua ống xông dạ dày.
Liên tục thực hiện 5-6 kỹ thuật cùng lúc nên ca mổ đã kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ. Hơn nữa, bệnh nhân quá gầy yếu nên vừa mổ, các bác sĩ vừa phải “canh” chừng sự sống cho bệnh nhân. Rất may ca mổ đã thành công. Sau đó, các bác sĩ, điều dưỡng khoa C8 lại tiếp tục “công trình” vỗ béo cho bệnh nhân. Vì bệnh nhân yếu nên việc đảm bảo vô khuẩn cho hậu phẫu vô cùng nghiêm ngặt. Nếu có viêm nhiễm gì chỉ sợ bệnh nhân không đủ sức chống chọi. Sau hơn 1 tháng được “an dưỡng”, chị Hoa đã dần phục hồi trở lại.
“Đây là 1 trong 5 ca bệnh khó nhất mà chúng tôi thực hiện trong năm nay. Mừng nhất là bệnh nhân có thể ra viện được vào dịp tết để đón tết cùng gia đình” – bác sĩ Hùng thở phào trong chiều cuối năm.
Trước giờ ra viện, nhìn chị Hoa đã khá khoẻ mạnh, gương mặt tròn trịa, nụ cười tươi rói. Ít ai tưởng tượng được hơn 2 tháng trước, chị giống như con “ma đói” gầy héo hắt, co rúm vì đau đớn.
Chị Hoa nghẹn ngào: “Đến nay, tôi nằm viện được 2 tháng 25 ngày. Mấy hôm trước thằng con nhỏ gọi điện tới, chỉ kêu một tiếng “mẹ” rồi im lặng mãi. Đến khi tôi gặng hỏi thì cháu khóc oà bảo: “Sao mẹ đi lâu thế, con nhớ mẹ lắm”. Tôi cũng bật khóc theo. Mấy cái tết gần đây tôi ốm yếu chỉ nằm trên giường, chẳng chăm sóc, chơi đùa được với các con. Giờ thấy mẹ về lại khoẻ mạnh như trước chắc các con tôi mừng lắm”.
Thay mặt Đơn vị tim mạch, bác sĩ Dương Đức Hùng đã tặng 5 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị Hoa đón Tết. Ca mổ và quá trình điều trị cũng có chi phí rất lớn, Đơn vị tim mạch và Bệnh viện Bạch Mai cũng đã hỗ trợ, kêu nhà hảo tâm tài trợ một phần cho ca mổ và quá trình điều trị có chi phí lớn. |