Dân Việt

Chủ trang trại phải có tư duy tầm doanh nhân

Minh Huệ (Trang Trại Việt) 11/02/2016 07:15 GMT+7
“Trong năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững… và sẽ tập trung thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu. Trong cuộc cách mạng đó, nông dân, chủ trang trại chính là những thành phần nòng cốt”.

img

Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình tăng cường các hoạt động tập huấn đầu bờ (ảnh: Thăm quan mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, Ninh Bình).

Trò chuyện với PV Trang Trại Việt, TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ảnh) đã nhấn mạnh như vậy khi nói về những cơ hội, thách thức của nông dân, chủ trang trại (TT) trong năm 2016. 

Năm 2016 được dự báo sẽ có nhiều thách thức với phát triển nông nghiệp nói chung, người nông dân nói riêng, nhất là khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực hiện. Vậy người nông dân, chủ TT phải làm gì để thích ứng với bối cảnh mới này, thưa ông?  

- Không chỉ có Hiệp định TPP, mà trong năm 2016 các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Cộng đồng ASEAN sẽ được thực hiện. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn đối với nước ta trong việc huy động vốn, mở ra khả năng xuất khẩu, giải quyết thị trường lao động... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn, thậm chí còn lớn hơn cả năm 2015.

Tình hình biến đổi khí hậu đã và đang hoành hành, biểu hiện rất rõ, ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp. Rồi khó khăn từ vòng xoáy của giá nông sản, thực phẩm đang giảm trên phạm vi toàn thế giới, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Trước bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã và đang tìm phương hướng, giải pháp để tận dụng cơ hội, hạn chế những thách thức này, trong đó đề án tái cơ cấu được coi là “cuộc cách mạng” mới.

Trong cuộc cách mạng này, có thể nói lực lượng đi đầu, không ai khác chính là những chủ TT, doanh nghiệp nông nghiệp. Đó là những thành phần kinh tế nòng cốt, có thế mạnh nhờ sản xuất quy mô lớn hơn, tập trung hơn, có điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn hộ nông dân nhỏ lẻ và cũng nắm bắt tốt hơn những xu thế của thị trường để có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Cụ thể, lực lượng “đầu tàu” đó sẽ phải làm những gì, thưa ông?

- Trước hết, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm cả trong nước và quốc tế, hơn ai hết các chủ TT, doanh nghiệp nông nghiệp phải dựa trên những điều kiện cụ thể cả về tự nhiên, lao động, vốn… để cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh về giá thành và chất lượng. Bản thân chủ TT phải xác định được ngành hàng nào là chủ lực và định hình sản phẩm của mình sẽ ở phân khúc nào trên thị trường, quy mô sản xuất thế nào phù hợp, đồng thời cũng thấy rõ điểm yếu của mình là gì? Để làm được những việc đó, chủ TT phải “nâng tầm” lên mức doanh nhân, bám sát đề án tái cơ cấu của ngành, của địa phương để tận dụng những cơ chế chính sách đề án mang lại.

Hơn ai hết, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các chủ TT phải liên kết với nhau để có khối lượng hàng hóa lớn, quy trình sản xuất thống nhất, cũng như liên kết với những hộ nông dân nhỏ lẻ để họ trở thành vệ tinh cung ứng nhiều sản phẩm chất lượng. Liên kết cũng là để chia sẻ kinh nghiệm, phân bố mặt hàng về mặt thời vụ để tránh dồn hàng dội chợ, nhất là sản xuất trái cây ở phía Nam. Đồng thời, việc liên kết cũng giúp các TT có tiếng nói mạnh mẽ hơn với đối tác trong tiêu thụ sản phẩm, từ đó có thể thỏa thuận chủ động hơn về giá cả, số lượng, điều khoản vận chuyển…, góp phần giảm rủi ro.

Sẽ có rất nhiều việc phải làm, nhưng theo ông, đâu sẽ là “chìa khóa” để các chủ TT, nông dân đứng vững và làm chủ cuộc chơi này?

-Một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của sản xuất TT, đó là khoa học công nghệ (KHCN). Trước đây các chủ TT cũng là những lực lượng đi đầu trong việc áp dụng KHCN, nhưng trong bối cảnh tái cơ cấu, các chủ TT phải thấy rằng KHCN chính là chìa khóa, là động lực, yêu cầu tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các chủ TT cũng phải nâng tầm quản trị, tức phải được đào tạo về quản lý, về nhận biết xu hướng thị trường, nắm được luật cạnh tranh… Trong xu hướng hiện nay, đối với hàng hóa nông sản nói chung phải đặc biệt coi trọng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong những điểm yếu của nông sản Việt Nam thời gian qua. Nếu không sớm cải thiện và đáp ứng được tiêu chí này thì các chủ TT sẽ thua ngay trên sân nhà.

Đặc biệt là trước bất cứ thách thức nào, các chủ TT cũng đừng để bị thui chột niềm tin, hãy quyết tâm tìm ra nguyên nhân thất bại để phục hồi sản xuất, thay đổi công nghệ, phương pháp quản trị... Đó là những thay đổi mà tôi nghĩ các chủ TT cần chú ý để có những hướng đi phù hợp, trở thành lực lượng xung kích trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp của nước ta.

Với vai trò của mình, trong năm 2016 cũng như giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ tái cơ cấu của mình như thế nào nhằm giúp nông dân, chủ TT phát triển sản xuất hiệu quả?

6 nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến nông giai đoạn 2016 – 2020

Củng cố, hoàn thiện và tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông

Xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án, mô hình

Da dạng hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền

Tăng cường và đổi mới hoạt động đào tạo huấn luyện

Mở rộng nội dung và nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ khuyến nông

Mở rộng hợp tác quốc tế về khuyến nông

- Có thể nói đề án tái cơ cấu chính là cương lĩnh của ngành nông nghiệp, do đó lực lượng khuyến nông (KN) phải bám vào để tập trung thực hiện, xem ngành nào, cây nào, con nào cần tập trung chủ lực. Điều quan trọng hơn là chúng tôi cũng phải tái cơ cấu hoạt động của chính mình. Trước đây KN chủ yếu tập trung vào hộ nông dân nghèo, thu nhập thấp hoặc những hộ nông dân cá thể, tới đây sẽ hướng theo KN cộng đồng, tức là các nhóm hộ nông dân, các chủ TT… Từ việc xác định được đối tượng cụ thể, cách thức thực hiện cũng thay đổi từ cầm tay chỉ việc sang phổ biến, chuyển giao các gói kĩ thuật, thị trường, thúc đẩy liên kết… KN phải bám theo yêu cầu của ND, chứ không phải có cái gì là phục vụ cái đó như trước đây.

Đặc biệt khi xây dựng mô hình, KN sẽ phải tính đến yếu tố đầu tiên là thị trường, xem có khả năng tiêu thụ được không, sản xuất như thế nào…, tức phải đưa tối đa các gói kỹ thuật vào tập huấn để phát huy đồng bộ chứ không phải từng kỹ thuật đơn lẻ. Nói gắn gọn, là sản phẩm của KN cũng phải phù hợp với thị trường.

Xin cảm ơn ông!

“Trong giai đoạn mới, KN tập trung đổi mới tuyên truyền theo hướng “thắp sáng hơn đổ đầy”, tức không lấy số lượng làm mục tiêu mà hoạt động KN phải đem lại sự thay đổi rõ rệt, tạo điểm sáng để nhân rộng. Muốn như vậy, cán bộ KN phải giảm hành chính hóa, tăng cường hoạt động thực tiễn. Đặc biệt cán bộ KN chỉ đóng vai trò khai thác thế mạnh của nông dân trong quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn và đưa ra phương án chứ không phải cầm tay chỉ việc như trước”.(TS. Phan Huy Thông)