Nhập viện vì canh măng
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hầu như Tết năm nào anh cũng gặp trường hợp tắc ruột do canh măng.
Ông Nguyễn Văn Đẩu trú tại Hưng Yên nhập viện vào chiều mùng 1 Tết với lý do đau quặn bụng. Gia đình tưởng ông bị đau ruột thừa nên đưa luôn lên Hà Nội mổ cấp cứu. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị tắc ruột do thức ăn.
Canh măng ngày Tết có thể gây tắc ruột.
Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ thấy trong ruột còn nguyên những miếng măng không tiêu hóa được dắt lại. Ngoài ra, không chỉ có canh măng mà trong ruột ông còn dính các hạt hoa quả.
Theo bác sĩ Liên, măng là loại thực phẩm chất xơ dây khó tiêu. Măng chứa xenlulose, nhiều khi gây tắc ruột do khối phân rắn này thường không tạo ra được thiết diện nhỏ nhất trong lòng ống tiêu hóa, bề mặt thô giáp, không trơn bóng làm hạn chế sự di chuyển.
Ngoài ra, trong dịp Tết, có nhiều đồ ăn mặn, cung cấp nhiều muối vào cơ thể, khiến cơ thể tăng hấp thu nước ở ống tiêu hóa, đặc biệt là đại tràng, sẽ làm cho khối phân bị "vắt" kiệt nước, khối phân rắn, di chuyển rất khó khăn do mất đi hiện tượng bôi trơn bề mặt giữa phân và niêm mạc ruột. Nếu khối phân táo chứa nhiều chất xơ khó tiêu di chuyển trong lòng đại tràng khô sẽ có hiện tượng tổn thương niêm mạc, đặc biệt là vùng đại tràng sigma, trực tràng và hậu môn.
Tắc ruột vì hoa quả
Theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện này cũng từng phẫu thuật cho trường hợp cụ bà bị tắc ruột do ăn xơ mít chưa được nhai nát… Trước đó, Khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Huế) đã tiếp nhận 7 trường hợp bị tắc ruột do bã thức ăn mà nguyên nhân chính là do ăn quả hồng giòn.
Các bệnh nhân vào viện đều chung triệu chứng đau bụng, buồn nôn, bí trung đại tiện. Qua siêu âm và nội soi, các bác sỹ phát hiện bị tắc ruột do bã thức ăn và tiến hành phẫu thuật cho họ.
Theo một nghiên cứu trong 5 năm tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có tới hơn 100 ca nhập viện do dị vật là thức ăn. Trong đó các dị vật chủ yếu là hồng xiêm, sung, hồng ngâm, cam, ổi, ngô rang, dâu da xoan, mít, tóc, sợi len, quần áo rách...
Người cao tuổi có tiêu hóa suy yếu do: Hệ thống men tiêu hóa suy giảm cả về chất lượng và số lượng nên lâu tiêu hóa được các chất khó tiêu hơn người trẻ.
Nhiều cụ cao tuổi, răng yếu hoặc răng rụng đi, không sử dụng răng giả cho nên hạn chế sự nhai, nghiền thức ăn khiến thức ăn khó tiêu không được nghiền thành các viên nhỏ… Thức ăn không được hấp thu hết, thức ăn còn ở dạng thô, di chuyển trong ống tiêu hóa càng chậm và khó khăn.
Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa và tránh tắc ruột, mọi người cần lưu ý khi ăn uống nên nấu chín, ninh nhừ thức ăn cho trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng, thức ăn không quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hóa hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột...
Khi có những dấu hiệu bệnh lý hệ tiêu hóa cần đi khám để chẩn đoán sớm, tránh những bệnh có thể gây hẹp ruột. Sau khi ăn nếu phát hiện thấy đau bụng, ói mửa, đại tiện ra máu hoặc không thể đi tiêu, cần đến ngay bệnh viện để có thể phát hiện bệnh kịp thời.