Khóc dở mếu dở
Mặc dù được minh oan nhưng nhiều năm trôi qua bác sĩ T. làm việc ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại Đồng Nai vẫn ngán ngại khám bệnh cho người khác giới.
Trước đó, bác sĩ T. khám cho nữ bệnh nhân 21 tuổi có triệu chứng nhức đầu kéo dài sau tai nạn. Đang khám thì người này la toáng lên “bác sĩ sờ, nắn khắp người tôi”, rồi chạy ra ngoài khiến anh T. tá hỏa.
Không chỉ khám sản khoa và các vấn đề nhạy cảm mà tất cả các bệnh đều cần người chứng kiến. Ảnh: L.N |
Người nhà kẻ thì chạy theo cô gái, người khác thì vào “hỏi chuyện” bác sĩ. Nhìn căn phòng khám khá rộng, đặt một chiếc giường lại kéo rèm kín mít nhưng không có y tá hay người nào, người nhà bệnh nhân hoài nghi. Nhưng rất may sau khi trấn an, bác sĩ T. mới làm cả nhà nguôi cơn giận. “Thực ra cô gái bị những cơn động kinh nhẹ, rối loạn tâm thần nên những lúc căng thẳng thường la hét" - bác sĩ T. nói.
Bác sĩ H. làm ở một bệnh viện phụ sản lớn tại TP.HCM có lần bị một cô gái dậy thì mà anh đang khám đạp vào mặt. Anh H. kể: “Tôi lãnh trọn cái đạp khi đang khám chỗ kín của cô ấy. Bệnh nhân bảo tôi không được chạm vào vùng kín rồi sau đó bỏ ra khỏi phòng và vu oan”. Theo bác sĩ H., khám phụ khoa mà không động vào vùng kín thì khó mà chẩn đoán được.
“Con trai theo ngành này đôi khi phải chấp nhận rắc rối” - anh H. cười nói. Nếu như không có một bệnh nhân ngồi chờ khám minh oan, không biết giờ này bác sĩ trẻ Bùi V. Q. (bệnh viện N.T., quận 5) có còn theo nghề nữa hay không. Đang đo nhịp tim cho nữ bệnh nhân 30 tuổi, chạm tay vào ngực bệnh nhân, bác sĩ Q. bị người này phản ứng dữ dội. Đến lúc dùng tay nắn nắn ở bụng dưới, nữ bệnh nhân hô hoán, rồi vu cho bác sĩ Q. “làm bậy”. Từ đó đến nay mỗi lần khám cho người khác giới, bác sĩ Q. đều gọi y tá hoặc người thân bệnh nhân vào chứng kiến.
Cũng có những nữ bệnh nhân chủ động đi khám, chủ động… yêu và chủ động vu cáo. Biết bác sĩ M. ở phòng khám đa khoa M.D TP.HCM đẹp trai lại là con nhà khá giả nên sau khi cùng công ty đến đây khám bệnh định kỳ, chị H.A. 24 tuổi ở quận Tân Bình đã yêu đơn phương.
Bác sĩ M. cho biết có những tháng bệnh nhân H.A đến khám ở đây 4-5 lần. “Lúc đầu tưởng bệnh nhân tin mình nhưng lâu dần biết được ý định của cô ấy nên tôi từ chối” - bác sĩ M. kể. Hậu quả của việc từ chối “tình đơn phương” là lá đơn tố cáo của bệnh nhân gửi đến phòng khám với nội dung “trong lúc khám tôi bị bác sĩ M. cưỡng bức”.
Khám bệnh cần… “trọng tài”
Mới đây Hội Y học TP.HCM lấy ý kiến về quy tắc đạo đức của bác sĩ trong hành nghề. Cụ thể, lúc khám bệnh cho bệnh nhân trẻ khác giới cần có người thứ ba giám sát. Người thứ ba có thể là nhân viên y tế hoặc người nhà bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, từ thời sinh viên y khoa, tất cả đều được dạy việc khám cho bệnh nhân trẻ khác giới. Vì vậy việc có người chứng kiến trong phòng khám là rất cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, việc có người thứ ba chứng kiến trong lúc khám bệnh là điều bắt buộc. Tuy nhiên không phải khám gì cũng cần người đó. “Đối với khám sản phụ khoa, khám trĩ hay nội soi trực tràng, khám vú… nói chung khám và làm thủ thuật ở các vùng “nhạy cảm” rất cần nhân viên y tế chứng kiến”.
Theo bác sĩ Phú, người chứng kiến không chỉ phụ việc cho bác sĩ mà còn bảo vệ họ trước những vu oan của bệnh nhân, nếu có. Người chứng kiến cũng có thể bảo vệ bệnh nhân trước những bác sĩ thiếu y đức. Còn bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV 175 TP.HCM lại cho rằng người chứng kiến có thể là điều dưỡng và tốt nhất là đồng giới với bệnh nhân.
Với bệnh viện thì như vậy, còn ở các phòng mạch tư, bác sĩ vẫn một mình một phòng, bởi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ năm 2010 không bắt buộc bác sĩ tư nhân phải có y tá và người chứng kiến. Theo Viện sĩ Dương Quang Trung - Chủ tịch Hội Y học TP.HCM, có người chứng kiến khi khám cho bệnh nhân trẻ khác giới là cần thiết.