Dân Việt

Cắm mốc biên giới ở “cổng trời”

25/10/2011 14:08 GMT+7
(Dân Việt) - Chúng tôi vừa có một chuyến đi cắm mốc biên giới ở huyện miền núi Tây Giang cùng các anh trong Đội Cắm mốc Quảng Nam.

Có trải qua chuyến đi này mới hiểu hết gian nan của những người góp phần khẳng định lãnh thổ.

Đến cổng trời

Chúng tôi bắt đầu từ cửa khẩu Đăk Ốc (Nam Giang) nhắm đến vị trí cắm mốc biên giới 685 (Tây Giang) - nơi được coi là cổng trời của Quảng Nam - trong làn mưa mù mịt. Trước mặt toàn dốc đá dựng đứng. Không đường mòn. Không dấu chân người... Xốc lại ba lô trên lưng, 16 chàng “gù” lặng lẽ đi.

img
Chụp ảnh kỷ niệm tại cột mốc vừa hoàn thành.

Vượt qua những mỏm đá, bước chân cả đội ngập sâu trong thảm lá rừng tựa như đi trên nệm dày. Bước chân đặt đến đâu cũng đụng vắt. “Vắt là chuyện quá bình thường...” - Phạm Thanh Tuấn, thành viên trong đội, nói chưa dứt câu thì đã nghe tiếng “phụp”. Quay lại đã thấy thiếu úy Lê Ngọc Minh - quân y của đội- bị sụp xuống một hố sâu do gốc cây đã chết lâu ngày bị mục nằm khuất dưới thảm lá rừng. Hú vía, may mà không phải bẫy thú của đồng bào, nếu không thì đi tong cái chân.

Gian nan mở đường công vụ

Trong đợt đi lần này, đội của anh Chánh có nhiệm vụ xác định và cắm cột dấu cho 3 mốc 685, 686, 687 ở huyện Tây Giang - nơi giáp ranh với nước bạn Lào. Để đi từ điểm mốc này sang mốc kia phải mất 3 ngày đường. Ngoài kinh nghiệm từ những chuyến đi tuần dọc biên, để xác định điểm mốc cần đến, đội còn phải dựa vào máy định vị và la bàn.

Tìm được khu vực mốc đã khó, việc xác định vị trí đặt cột mốc chính xác tuyệt đối càng khó khăn. Đến vị trí 685, máy đo độ cao báo chỉ số 2.050m (so với mực nước biển). Khu vực mốc nằm giữa một lũng núi, máy định vị báo điểm cắm cột dấu chỉ còn cách chỗ đội dừng chân chừng hai chục mét. Vậy mà quần thảo gần nửa ngày trời mới xác định được chính xác vị trí cột mốc.

“Xác định được vị trí cắm mốc chưa phải là khó mà khó nhất là vạch rừng xác định vị trí mở đường công vụ để đưa vật tư, máy móc, cột mốc đến vị trí cắm mốc” - anh Chánh cho biết. Mở đường công vụ là yếu tố quyết định có đạt được mục tiêu đề ra hay không. Vì lẽ đó, công việc này luôn phải chạy đua với thời gian, bất chấp mọi khắc nghiệt của thiên nhiên.

Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam đến năm 2012, phải cắm xong 60 cột mốc dọc tuyến biên giới Việt - Lào. Hiện, Quảng Nam mới cắm được 25 cột mốc, bởi đa số cột mốc nằm ở vị trí xa xôi, hiểm trở, đi bộ mất mấy ngày đường mới đến nơi.

Anh Chánh cho biết: Khi tìm ra được vị trí cắm mốc, thì vận chuyển xe ủi, xe máy đào vào để ủi đất, đá, gốc cây. Sau đó lại quay xe ra thồ vật tư vào. Hết việc này đến việc khác. Cột mốc nào ở vị trí thuận lợi cũng phải mất một tháng mới xong, còn hiểm trở phải mất 2 - 3 tháng.

Quả thật, trong những ngày theo chân các anh đến các vị trí cắm mốc biên giới quốc gia ở Tây Giang, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của công việc này. Không chỉ vậy, nguy hiểm còn luôn rình rập họ. Có người rơi xuống vực suýt chết; có người bị côn trùng cắn sốt rét...

Mấy anh em báo chí chúng tôi không ai trụ nổi đến cùng với đội. Anh Chánh phải cho người dẫn về lại “căn cứ” tại cửa khẩu Nam Giang. Chia tay các anh trong mưa, chúng tôi cầu mong 16 thành viên của đội cắm mốc biên giới Quảng Nam tất cả đều bình an và nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của đợt đi này.