Được biết anh đã sáng tác bài hát “Thơ gửi ba” dựa theo bài thơ của con gái ông Nguyễn Bá Thanh. Vậy anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi sáng tác ca khúc này?
- Tôi viết bài hát này vào thời điểm một trăm ngày mất của Bác Nguyễn Bá Thanh. Bác Thanh là người có một tâm hồn lớn, nhân cách lớn ở một người lãnh đạo trong thế kỷ 21 này. Không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân Đà Nẵng, những người dân khắp 3 miền đều cảm phục, yêu mến tính cách, con người của bác. Tôi thần tượng, ngưỡng mộ những gì bác đã làm cho người dân Đà Nẵng, cho dù tôi không phải người con của Đà Nẵng.
Tôi thấy bác là người quyết đoán, đã nói là làm. Lời nói đi đôi với hành động, chứ không phải chỉ nói xong bỏ đó như nhiều người khác. Cũng vì yêu quý bác Nguyễn Bá Thanh mà tôi luôn dõi theo những bước bác đi. Những việc bác làm từ hồi còn giữ cương vị tại Đà Nẵng đến khi bác ra ngoài Hà Nội đảm nhận vai trò mới, rồi bác bị bệnh và đi điều trị ở Mỹ, Singapore, tôi cũng luôn cập nhật. Chính vì vậy mà khi hay tin bác mất, tôi hụt hẫng và bàng hoàng và trong tôi ngập tràn cảm xúc.
Nhạc sĩ Minh Anh.
Lâu nay tôi vẫn luôn ấp ủ về dự định sáng tác về người cha. Trong tôi những tình cảm, lời ca về người cha cứ mãi nhen nhóm, cho đến một ngày đọc bài thơ của con gái bác Nguyễn Bá Thanh, chị Nguyễn Hoài An, vừa là cảm xúc đau buồn với sự ra đi của bác, vừa là một sự đồng cảm sâu sắc.
Do đó, tôi chỉ mất 1 tiếng là hoàn thành xong bài hát. Và hôm sau tôi chỉ mất nửa ngày để đi thu, quay và đưa lên mạng đúng vào dịp kỷ niệm 100 ngày mất của bác Nguyễn Bá Thanh.Bài thơ khá dài, nhưng tôi gom những câu mà mình tâm đắc để đưa vào bài hát. Và câu cuối cùng, tôi rất tâm đắc, đó là: Ba ra đi ba không còn hối tiếc/Đà Nẵng chừ đẹp, con cũng lớn khôn rồi...Câu thơ đó quá ý nghĩa và sâu sắc, đúng với tình cảm bao la, rộng lớn của người cha giành cho con và cũng đúng với tình cảm của bác Nguyễn Bá Thanh giành cho người dân Đà Nẵng.
Khi sáng tác ca khúc này, anh có phải băn khoăn nhiều để làm sao vẫn giữ đúng tinh thần của bài thơ khi chuyển thể sáng ca khúc?
- Đúng là tôi cũng rất băn khoăn, trăn trở lúc đầu khi sáng tác ca khúc này. Bởi như bạn biết, với người miền Trung, đặc biệt người dân Đà Nẵng thường là những người sống có tâm hồn và giàu chất văn chương, lại cũng là người thẳng tính. Nên nếu viết không đúng với tinh thần có thể sẽ bị chính tác giả bài thơ phản ứng, cũng như bị người dân Đà Nẵng “ném đá” mình ngay. Vì vậy tôi nghĩ mình phải sáng tác thế nào vừa mộc mạc, giản dị, chân tình nhưng cũng phải gây được xúc động đi vào lòng người theo đúng tinh thần của bài thơ cũng như toát lên được tính cách, con người của bác Nguyễn Bá Thanh.
Chính vì vậy mà điều tôi nghĩ đầu tiên khi đọc xong bài thơ đó là cây đàn ghi ta mà không cần phải trang bị quá nhiều thứ rườm rà làm chìm đi lời bài hát, tôi đã chọn cách chơi theo phong cách acoutics. Và kỷ niệm một năm ngày mất tôi sẽ để hình ảnh bác Nguyễn Bá Thanh ở trong MV, như một nén hướng thắp cho bác nhân một năm ngày giỗ. Vì trước đấy nhiều người hỏi tôi, hát tri ân với bác Nguyễn Bá Thanh mà sao không để ảnh của bác.
Vậy khi quyết định để ảnh của ông Nguyễn Bác Thanh, anh có cần phải hỏi ý kiến phía bên gia đình ông?
- Tôi không hỏi, nhưng lúc tôi đọc bài thơ của con gái bác tôi có viết thư xin phép, đồng thời gửi tặng bài hát đi kèm nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nhận được hồi âm. Nhưng cái đó cũng không sao, tôi nghĩ lúc đó gia đình đang lo việc cho bác nên không thể trả lời.
Khi ca khúc được đăng lên, anh đã nhận được sự phản hồi của khán giả, đặc biệt khán giả Đà Nẵng như thế nào?
- Ngay khi bài hát được tôi đưa lên mạng, trang mạng của Đà Nẵng đã lấy về và tôi cũng đã nhận rất nhiều phản hồi tốt từ khán giả từ Đà Nẵng. Đặc biệt có những comment từ người già đến người trẻ với sự chia sẻ, xúc động của họ giành cho bác Nguyễn Bá Thanh, đến bài thơ và sau nữa là bài hát của tôi. Nó như nguồn động viên cho tôi để tôi tiếp tục sáng tác. Tôi vẫn luôn nghĩ, mình làm bất cứ việc gì, nếu như mình làm bằng trái tim thì tác phẩm của mình sẽ đi đến trái tim khán giả. Sẽ được khán giả yêu mến và ủng hộ mình.
Xin cám ơn anh!
“Với người miền Trung, đặc biệt người dân Đà Nẵng thường là những người sống có tâm hồn và giàu chất văn chương, lại cũng là người thẳng tính. Nên nếu viết nhạc không đúng với tinh thần có thể sẽ bị chính tác giả bài thơ phản ứng, cũng như bị người dân Đà Nẵng “ném đá” mình ngay”! Nhạc sĩ Minh Anh. |