Có lẽ giới nông nghiệp cả nước không ai không biết tiến sĩ Võ Mai. Mọi người đều nể phục, ngưỡng mộ tinh thần làm việc của bà, một phụ nữ đã ngoài 70 nhưng vẫn say sưa khi nói về sản phẩm cây ăn trái của Việt Nam ở mọi diễn đàn ở khắp các tỉnh ĐBSCL.
Chính bà là đầu mối hỗ trợ nông dân sản xuất, kết nối doanh nghiệp nước ngoài để tìm đầu ra cho sản phẩm trái cây chủ lực. Trăn trở lớn nhất của bà Võ Mai luôn là làm sao để cây ăn trái Việt Nam nổi tiếng trên thế giới có chỗ đứng xứng tầm với giá trị của nó.
TS Võ Mai (ngồi đầu) dù đã ngoài 70 tuổi vẫn ngày ngày lặn lội xuống ruộng hướng dẫn bà con nông dân sản xuất nông sản sạch. Th.Hải
Cầu nối
Theo tiến sĩ Võ Mai, Việt Nam có 11 loại trái cây có thế mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế như: Bưởi, xoài, thanh long, vú sữa, sapoche, chôm chôm, măng cụt… Tuy nhiên, ngoài một số loại được chế biến như làm nước ép, đóng hộp, sấy… thì trái cây Việt Nam chỉ ăn tươi chứ không chế biến nên khó gia tăng giá trị.
Tiến sĩ Võ Mai sinh ra ở xứ dừa Bến Tre. Bà được Chính phủ cho đi học ở Đức từ cấp 2, cho đến xong đại học ngành bảo vệ thực vật. Sau khi trở về nước làm việc một thời gian bà tiếp tục làm luận án tiến sĩ. Sau giải phóng, bà chuyển sang làm chuyên gia kiểm dịch nông sản xuất khẩu ở Chi cục Kiểm dịch Vùng 2, phụ trách 18 tỉnh phía Nam. Đến năm 1988, bà giữ chức Cục Phó Cục Bảo vệ thực vật phụ trách phía Nam cho đến nghỉ hưu. |
Điều bà Võ Mai trăn trở là nông dân mình lâu nay phụ thuộc thương lái quá nhiều. Thương lái kêu gì làm nấy, họ bán cái gì thì nông dân trồng để bán cho họ. Khi buồn, họ không bán thì nông dân ế, dội hàng, rớt giá và đổ bỏ. Điều quan trọng nhất để đưa trái cây Việt lên một tầm cao hơn đó chính là mở rộng thị trường.
Muốn như thế phải xây dựng chuỗi giá trị, phải xây dựng mối liên kết chuỗi giá trị từ nông trại sản xuất đến bàn ăn. Đặc biệt là phải ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, kết hợp công nghệ chế biến hiện đại. Trong đó đẩy mạnh công nghệ xử lý, bảo quản và chế biến trái cây.
“Chile họ đã làm được ít nhất 10 sản phẩm từ trái thanh long, trong khi mình có diện tích thanh long lớn, năng suất cũng cao mà chỉ bán để ăn tươi. Nhưng cứ hễ Trung Quốc ngừng ăn thanh long, ngừng mua thanh long thì thanh long bên mình lại rớt giá”- bà Mai nói với vẻ lo lắng.
Từ những trăn trở đó mà thời gian qua bà Võ Mai đã làm “chủ xị”, kêu gọi nông dân liên kết thành lập các các HTX trái cây và xây dựng tiêu chuẩn VietGAP.
Điều quan trọng nhất, hiệu quả nhất theo bà Mai là những HTX này xây dựng theo mô hình tiên tiến. Đó là doanh nghiệp cũng là nhà vườn. Theo đó giám đốc doanh nghiệp cũng là chủ nhiệm HTX. Hiện HTX Thanh Long- Long Trì (Long An) đã được chứng nhận VietGAP. HTX Xoài Bình Phước Xuân (Cù Lao Giêng)- Chợ Mới – An Giang đã có nhiều bước tiến trong việc chế biến xoài non bán ra thị trường. Sắp tới sẽ triển khai tiếp các sản phẩm xoài sấy, mứt…
Còn HTX Thanh long Tầm Vu (Long An) cũng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để được chứng nhận. Mỗi HTX này hiện đã có 30-40 xã viên tham gia với diện tích mỗi hộ từ vài ngàn mét vuông cho đến vài chục ngàn mét vuông.
Ngoài việc kết hợp với nông dân, hỗ trợ đưa công nghệ đến với họ, bà Võ Mai còn đóng vai trò kết nối, chuyển giao kỹ thuật cũng như tìm kiếm đầu ra cho nhà vườn. Đã có nhiều đối tác từ các nước như Úc, Đức… đến tìm hiểu ký hợp đồng mua sản phẩm từ các HTX này.
Bà Mai cho biết thêm, hiện nay đã có nhiều nông dân, xã viên các HTX đã chế biến thành công các loại rượu xoài, rượu chôm chôm, mứt chôm chôm. Bà đã khuyến khích họ thực hiện từng sản phẩm mà trước hết là sản phẩm từ trái cây lên men. Sau đó sẽ là làm mứt thông qua công nghệ sấy và nhiều sản phẩm khác.
“Ước mong đến cuối đời của tôi là hỗ trợ nông dân, nhà vườn xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho từng loại trái cây. Bởi lâu nay nhà nước, các ngành nông nghiệp chỉ nặng hô hào, chỉ làm kế hoạch chỗ này chỗ kia mà chẳng hướng cho nông dân trồng cây gì, bán cho ai, tổ chức sản xuất như thế nào để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường”- bà Mai chia sẻ.
Bà Mai cũng đã tiếp xúc tổ chức phi Chính phủ Đức để hỗ trợ cho 2 HTX đặt ở TP.HCM và Đà Lạt 2 nhà lạnh có diện tích khoảng 20m2/nhà để bảo quản rau và trái cây, đồng thời hỗ trợ 2 nhà sấy bằng năng lượng mặt trời cho 2 HTX chuyên về xoài và thanh long.
Điều mà bản thân bà Mai, người gắn bó lâu năm với cây ăn trái Việt Nam thấy chưa yên tâm là Chính phủ hiện chưa có nhiều chính sách hỗ trợ HTX phát triển. Ví dụ như hỗ trợ địa điểm bán hàng cho các HTX có sản phẩm an toàn, hay chính sách miễn giảm thuế cho đơn vị nào tiêu thụ sản phẩm an toàn. Theo bà Mai, chuyện sản xuất an toàn khi Việt Nam đã tham gia vào WTO, TPP… không còn hạn ngạch nữa thì chỉ còn an toàn thực phẩm là tấm giấy thông hành số 1 để trái cây Việt Nam hội nhập.
Nói về hiện tượng thương lái Trung Quốc thường xuyên ép giá thương lái làm cho nông sản Việt Nam lao đao trong thời gian qua. TS Võ Mai cho rằng thật sự 70-80% nông sản Việt Nam là Trung Quốc tiêu thụ, nhưng chỉ là thương lái bán cho thương lái, không có ký hợp đồng gì cả. Theo bà, người Việt phải tìm cách mở con đường khác cho mình với tinh thần chủ động chứ không phải phụ thuộc.
Sợ sống trong già cỗi
Sau chuyến tham gia dã ngoại vùng sông nước miền Tây hết sức thú vị cùng bà Võ Mai, chúng tôi càng nể phục bà hơn bởi sự tinh nhạy, tính kỷ luật giờ giấc và một tinh thần luôn sẵn sàng “chiến đấu”. Bà Mai không bỏ qua một chương trình nào của tour từ leo lên đài quan sát nhìn về khu rừng tràm Trà Sư hay đi xuồng vô vùng nước nổi. Bà bảo không muốn tuổi già qua đi trong sự già cỗi.
Thật vậy, may mắn được cùng bà tham gia những chuyến đi thăm mô hình trồng cây ăn trái của nông dân các tỉnh Tiền Giang, Long An… tôi luôn nhìn thấy ở bà một tinh thần hăng say, yêu công việc và tâm huyết với nhà nông. Bà luôn là động lực, là tấm gương cho thế hệ trẻ soi mình. Một trong những người gắn liền với cây ăn trái ĐBSCL là tiến sĩ Nguyễn Minh Châu- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam vẫn luôn ca ngợi tấm gương làm việc quên mình của bà Võ Mai.
Một ngày của bà Võ Mai bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng. Bà chạy bộ gần nhà 30 phút, rồi quay về nhà quét sân, tưới cây. Ăn sáng xong với các con là lúc bà bắt đầu với công việc. Nếu không đi tỉnh với nhà nông, họp hành hay tham gia hội nghị thì bà đến cơ quan làm việc. Thường là với các bài báo cáo dài hay cô nghiên cứu thêm tài liệu nước ngoài. Bà bảo nhờ biết được nhiều thứ tiếng: Anh- Đức, Pháp… mà bà hay đi nước ngoài, tham gia nhiều diễn đàn trong và ngoài nước.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi tại văn phòng, bà liên tục xin lỗi vì có điện thoại hoặc có người đến tìm để trao đổi công việc, điều đó cho thấy bà là người của công việc một cách đáng khâm phục.
Tiến sĩ Võ Mai bảo: “Tôi mà nghỉ làm thì đầu óc sẽ mụ mị đi. Còn khi được tiếp xúc nông dân tôi cảm thấy vui vẻ thoải mái, không thấy mình già cỗi và bị bỏ đi.”