Dân Việt

Gió đồng hun hút - “Rau sạch” vườn văn

Quỳnh Hương 15/02/2016 09:18 GMT+7
Quyển sách toàn những chuyện thô mộc, không ra chất văn, nhiều đoạn còn chẳng có đầu có cuối… màu quê kệch trải dài, mùi rơm rạ cứ nồng lên… Thế nhưng in 2.000 cuốn mà chỉ sau có 9 ngày đã phải tính chuyện tái bản, độc giả toàn người ở phố.

Người phố đổ xô đi mua một quyển sách quê không phải vì tò mò cái tên tác giả là gương mặt đã quá đỗi quen thuộc trong làng giải trí: Nhà báo văn hóa Ngô Bá Lục - mà có lẽ tại văn chương bấy lâu nay quá thiếu chất đồng làng thành thật: Tuổi thơ đi đất tưới rau, đuổi vịt chăn trâu, đi xem chiếu bóng bãi, tình yêu chung thủy trông ngóng và đợi chờ khắc khoải cả đời chỉ có một mãi mãi vẹn nguyên… cuộc sống và thứ tình mà người quê di cư nào cũng bắt gặp mình trong đó… như một khoảng rau sạch tươi mát dịu xanh tâm hồn phố thị bấy lâu bận chen chúc đã quá đỗi khô cằn…

Trò chuyện về  người làng ở phố trong con mắt của nhà báo-nhà văn Ngô Bá Lục.  

img

Nhà báo Ngô Bá Lục và con trai. NVCC

Nhà báo Ngô Bá Lục hiện đang công tác tại tòa soạn báo điện tử Vnmedia. Anh được đông đảo bạn đọc biết đến với vai trò nhà báo, nhà phê bình âm nhạc. Anh cũng đồng thời gắn bó tên tuổi mình với nhiều chương trình truyền hình văn hóa nghệ thuật nổi tiếng. “Gió đồng hun hút” là tản văn đầu tay của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.  

Ngô Bá Lục chia sẻ: Đi xem “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, dưới con mắt của một người làm nghề, rõ ràng đó là một bộ phim với cốt truyện chẳng có gì phức tạp, kịch bản rất đơn giản, các tình tiết không kịch tính, khúc mắc hay mất nhiều chất xám để giải quyết, thế nhưng sao người ta yêu mến đến thế?

Tôi nghĩ  điểm thành công nhất chính là ở sự chân thành, chất liệu cuộc sống được phản ảnh một cách thật thà ít tô vẽ. Đó cũng là xu hướng chung trong thưởng thức đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay, sau gần hai thập niên chạy theo những kỹ năng, ứng dụng và “làm màu” ở các nghệ sĩ, khán giả bắt đầu kiếm tìm những gì là thật, những gì phản ảnh hơi thở cuộc sống.

img

“Gió đồng hun hút” cũng vậy, cuốn sách là cóp nhặt những tản văn vụn tôi góp nhặt trong 5 năm và không chỉnh sửa gì. Tuổi thơ, cuộc đời có sao, tôi chép lại, kể lại y nguyên như vậy. Nếu nói ở góc độ văn chương, chắc hẳn đây là một cuốn sách đầy sạn với quá nhiều văn nói, những câu chuyện hơi cụt cả đầu và đuôi. Nhưng phản ứng của độc giả khiến tôi nhận ra rằng những chính những cộc đầu đuôi rất thật ấy lại khơi gợi mạnh mẽ ký ức của những người phố sinh ra từ làng, đặc biệt là thế hệ 7x và đầu 8x.

Thành phố trở thành mục tiêu, điểm đến, nỗi khao khát về một cuộc sống hiện đại có những sự chuyển biến rõ rệt về y tế, giáo dục, an sinh xã hội… nhưng trong những cuộc di cư lớn của cuộc đời – ngay cả khi đã ổn định và tìm được cho mình một chỗ đứng chắc chắn giữa lòng đô thị - dường như vẫn luôn có một sự xung đột khắc khoải trong suy nghĩ của những người quê ở phố?

- Tôi là một kẻ ở trọ điển hình trong trường hợp này. Sự xung đột ấy mạnh mẽ đến mức đánh đồng mọi sở thích lẫn thụ hưởng: Tôi vừa yêu điên cuồng những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh quê hương, vừa thích cải lương vừa thích Sơn Tùng MTP; vừa mê áo dài nhưng vẫn ngó theo những bộ váy sexy, vừa muốn chăm chút cho cuộc sống đủ đầy vật chất như bất cứ người đàn ông trưởng thành nào cần phải có, nhưng lại không thể thật sự chú ý vào việc kiếm tiền hay bằng mọi giá phải thăng tiến trong sự nghiệp.

Thành đạt và giàu có – với đàn ông nói chung – là thước đo chính cho sự tự tôn, vì sao anh nghĩ mình không đặt yếu tố này lên hàng đầu?

- Vì định nghĩa về giàu có của tôi không chỉ là tiền tài. Tôi vẫn nghĩ mình là một người-quê-giàu-có giữa lòng thành phố. Bạn thử nghĩ mà xem - trẻ con sinh ra và lớn lên ở thành phố - bản thân ông bố bà mẹ chúng cũng giằng xé trong chuyện giáo dục con. Người phố cũng có đầy rẫy nỗi khổ, có sự nghèo túng phổ biến trong thế giới chỉ toàn những cốt thép xi măng đường nhựa, mất rất nhiều tiền để cho con cái tham dự những khóa học kỹ năng sống về quê, xem trâu bò, gặt lúa, gói bánh chưng, trải nghiệm thiên nhiên trong lành và thực phẩm sạch mà giờ này đã trở thành xa xỉ với đô thị. 

Con cái tôi mỗi lần về quê là đi chân đất, tắm nước giếng, theo ông đi câu cá, cuốc vườn, tự hái rau thổi cơm, theo người lớn ra đình nghe hát quan họ. Kỳ lạ là kể cả nghịch mưa dầm nắng thế nào chúng nó cũng không ốm, khác hẳn với giữ gìn che chắn khi ở phố. Thịt cá rau củ mang từ quê ra – vợ tôi cất vào tủ lạnh ăn dần, không lo sợ thuốc kích phọt rau hay thuốc tăng trọng lợn… Những chuyến picnic hết sức thực tế đó, chẳng phải là tài sản tinh thần – và cả vật chất – đắt giá hay sao?!

Vậy anh nông dân nhớ quê Ngô Bá Lục “đàm phán” thế nào với nhà văn – nhà báo Ngô Bá Lục để tồn tại?

- Những sự giằng xé trong tư duy của những dòng người di cư từ quê ra phố thể hiện ở mọi góc độ của cuộc sống: Mình có thể đi vũ trường, mình có thể trở thành một chính khách, có thể trở thành đại gia, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn mong muốn làm sao dung hòa được, giữ được cốt cách của người nhà quê, giữ sự chân thành, tình yêu, sự bao dung, nhân văn – nhưng vẫn phải thành đạt trên thương trường, trong một vị trí của xã hội. Vậy mình có giữ cái mộc mạc quê mùa hay không? Nếu giữ được như vậy thì có thành đạt được trong lĩnh vực kinh doanh thương trường hay không? Nếu vứt bỏ hết thì thế hệ con cháu sau này sẽ thế nào? Tư duy ảnh hưởng ra sao?

Tôi nghĩ chính cái giằng xé, cái xung đột ấy lại chính là điều may mắn, may mắn là mình không thể giàu được, mình chỉ hơi hơi thành đạt và vẫn níu giữ chút nhà quê, nếu bung ra hết, bất chấp hết thì sẽ chỉ có thể có một trong hai thứ. Đến giờ này, tôi mừng là mình vẫn còn có thể chia sẻ một “Gió đồng hun hút” mộc mạc nguyên bản. Và cái cách mà bạn bè tôi, bạn phố, bạn quê đón nhận nó, làm tôi nhận ra rằng: Trong tim, trong ký ức của mỗi người, vẫn luôn hóng về một miền xanh tươi, chân thành trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, gấp gáp và đầy áp lực.

Xin cảm ơn anh!