Dân Việt

Khi Bá Thanh gặp xe ôm là chuyện… bất thường!

Lương Kết (thực hiện) 15/02/2016 09:30 GMT+7
"Việc một cán bộ lãnh đạo như ông Nguyễn Bá Thanh gặp gỡ xe ôm, xe thồ, người chồng vũ phu… là chuyện không có gì là ghê gớm, chuyện rất bình thường của xã hội. Tuy nhiên, trong xã hội ta hiện nay những chuyện bình thường như vậy không có, nên coi chuyện ông Bá Thanh là bất bình thường".

"Tôi viết lời giới thiệu cho cuốn sách về ông Nguyễn Bá Thanh trước hết để ghi nhận những gì mà người dân Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Bá Thanh trên một cơ sở sự thay đổi của thành phố mà tôi chứng kiến" -  nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân Việt.

img

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Thưa ông, lý do gì khiến ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách về ông Nguyễn Bá Thanh - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng?

Cuốn sách "Nguyễn Bá Thanh - một người con Đà Nẵng" do tác giả Nguyễn Kim Thành (Đại học Văn hóa Hà Nội) tổng hợp và biên soạn mới được ra mắt. Nhà sử học Dương Trung Quốc là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách.

- Tôi viết lời giới thiệu cho cuốn sách trước hết là để ghi nhận những gì mà người dân Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Bá Thanh trên một cơ sở thay đổi của thành phố mà tôi chứng kiến. Hoàn cảnh nghề nghiệp khiến tôi tiếp cận với Đà Nẵng thường xuyên và khá lâu chính vì thế mình cảm nhận được sự thay đổi của thành phố này. Trong thay đổi đó có công sức của nhiều người, trong đó có đóng góp lớn của ông Nguyễn Bá Thanh.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, tôi cũng nói lại lời các cụ xưa "cai quan định mệnh", nghĩa là đậy nắp quan tài mới bàn chuyện đánh giá con người. Nhưng với người hoạt động trong lĩnh vực chính trị chắc nó đòi hỏi một thời gian dài hơn để đánh giá về con người ấy. Tuy nhiên với những gì vào thời điểm này nói được về ông Nguyễn Bá Thanh, tôi nghĩ là đáng nói, đó là từ thực tiễn của lòng người, thực tiễn của chính mảnh đất đó, hay nói cách khác dấu ấn của ông với mảnh đất Đà Nẵng.

Dù vị lãnh đạo đó có nhiều hành động, nhiều việc làm, nhưng để đánh giá hết về con người đó là rất khó, thưa ông?

- Đương nhiên con người thì không bao giờ trọn vẹn, nhất là đánh giá về con người làm chính trị thì rất đa chiều. Nhưng mà cái gì đáng ghi nhận để khích lệ, khích lệ chính người đang sống. Chắc chắn có một điều đơn giản xã hội thấy cần nhiều con người như ông Nguyễn Bá Thanh, làm được những việc như thế, có được lòng tin của một bộ phận công chúng như thế trong bối cảnh hiện nay. Đó là động lực để tôi viết lời giới thiệu cuốn sách.

Ngoài ra còn có những quan hệ mang tính cá nhân trong quá trình tôi làm việc với ông Nguyễn Bá Thanh, đó là tình cảm rất đáng trân trọng. Còn bây giờ vội vã đánh giá một cái gì to lớn tôi nghĩ chưa cần, nhưng ít nhất chúng ta đang cần những con người như ông Nguyễn Bá Thanh.

Ông nghĩ gì về việc ông Nguyễn Bá Thanh khi còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với những người dân như anh xích lô, xe thồ, những ông chồng vũ phu, người dân khiếu kiện... để lắng nghe họ?

- Đó lẽ ra là chuyện không có gì là ghê gớm, chuyện bình thường của xã hội, tuy nhiên trong xã hội ta hiện nay những chuyện bình thường như vậy không có, nên coi chuyện ông Bá Thanh là bất bình thường. Chuyện lãnh đạo tiếp dân, gần gũi với dân đời nào cũng có, chuyện vi hành của các đấng quân vương đời nào cũng có. Dường như bộ máy quan liêu đến mức độ làm cho nhận thức của chúng ta thấy việc làm của ông Nguyễn Bá Thanh là cá biệt, trong khi việc làm của ông Thanh, tôi thấy là điều hết sức bình thường của một lãnh đạo.

Đương nhiên trong lịch sử có hôn quân, minh quân, nhưng rõ ràng người nào là minh quân đều thể hiện sự gần dân, sát dân. Trở lại câu chuyện gần dân của giới lãnh đạo hiện nay, đúng là cũng cần xem xét với những hiện tượng người lãnh đạo lợi dụng việc gần dân để làm đẹp hình ảnh. Nhưng quan trọng là việc gần dân của vị lãnh đạo đó phải giải quyết việc gì, có phải đề cao hình ảnh của họ không, hay việc gần dân giải quyết những vấn đề dân sinh, biến nó thành chính sách, thành chế độ, biến nó thành hành vi cụ thể làm thay đổi xã hội, dù là thay đổi nhỏ.

Chúng ta thấy rất rõ ở Đà Nẵng không có hoặc có rất ít những hiện tượng không đẹp mà phổ biến ở các đô thị khác, tại sao chúng ta không trân trọng cái đó? Lẽ ra cái mà ông Bá Thanh làm là bình thường, nhưng xã hội mình coi đó là khá đặc thù.

Tôi nghĩ câu chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh là cái để nhắc nhở mọi người, bởi thực ra chuyện đó không có gì là ghê gớm. Tôi nghĩ ông Nguyễn Bá Thanh làm những việc đó một cách tự nhiên, chỉ có người dân mới nói chính xác được. Cách hành xử của một lãnh đạo như ông Nguyễn Bá Thanh là cái chúng ta quan sát được, nhưng quan trọng nhất là người dân chấm điểm.

Đối với thời đại công nghệ phát triển, mỗi việc làm, hành động của người lãnh đạo, người dân càng dễ nhận biết?

- Câu chuyện của đời sống phát triển, các nhà lãnh đạo phải thích ứng. Câu chuyện một ông lãnh đạo ở địa phương nọ "sửng cồ" lên vì người dân nhận xét mình thể hiện rất rõ sự lạc hậu của con người không theo kịp thời đại. Ông Bá Thanh từng nói là con người phải luôn luôn thay đổi theo sự phát triển của đời sống xã hội và thực tiễn sẽ kiểm nghiệm, quyết định.

Xin cảm ơn ông!

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: 2 lý do khiến ông Bá Thanh được mến mộ

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - chia sẻ: "Tôi nghĩ ông Bá Thanh là một Bí thư Thành ủy tiêu biểu. Ông được lòng dân không riêng gì ở TP.Đà Nẵng, mà còn ra cả nước.

Sự mến mộ của người dân đối với ông Nguyễn Bá Thanh theo tôi nằm ở hai lý do. Thứ nhất là tất cả những lợi ích chính đáng của nhân dân, ông đều kiên quyết giải quyết, bảo vệ. Cái đó được thể hiện qua hành động của ông đi ra những khu vực dân còn khiếu nại để giải quyết ngay tại chỗ. Ông cũng dành thời gian gặp gỡ những người dân như xích lô, xe thồ... để lắng nghe ý kiến của họ.

Thứ hai là ông kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực nảy sinh ở Đà Nẵng, qua đó giúp thành phố này có hình ảnh tốt đẹp mà không phải đô thị nào trong cả nước cũng có được.

Không dễ gì một người nguyên là Bí thư Thành ủy lúc qua đời được người dân đến phúng viếng, tiễn đưa một cách đầy tiếc thương và kính trọng như trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh. Thậm chí tròn một năm ngày giỗ của ông, nhiều người dân cũng đến thắp nhang tưởng nhớ".

Ngọc Lương (ghi)