Anh là tỷ phú Đỗ Xuân Tăng, ở thôn Đầm, xã Cẩm Quý, Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Hỏi thăm đường vào nhà anh Tăng, tôi được một người dân chỉ: "Anh cứ đi thẳng, lên đến đỉnh dốc thấy ngôi nhà 3 tầng to tướng đối diện với nhà văn hóa thôn, đó chính là nhà anh Tăng "bò" - người có trâu, bò nhiều nhất xã.
Mỗi năm trâu, bò, đem về cho vợ chồng anh Đỗ Xuân Tăng hơn 300 triệu đồng. |
Gã liều
Tăng đang trên trang trại, tưởng tôi là khách mua trâu bò, chị Thắng - vợ anh vội vàng gọi điện giục chồng về.
Nhấp chén trà, Tăng kể cho tôi nghe cuộc đời mình. Học hết lớp 10, nhà nghèo anh đành ở nhà đi dắt trâu, bò thuê. Năm 1985, anh xây dựng gia đình với chị Hoàng Thị Thắng cùng thôn, một thời gian vợ chồng dọn ra ở riêng. Cuộc sống đã khó lại càng khó hơn khi con gái đầu lòng ra đời, mọi công việc đều một tay anh gánh vác.
Hồi ấy máy xát còn hiếm, anh đánh liều vay ngân hàng 4,5 triệu đồng mua máy xát về làm dịch vụ cho bà con trong xã. Cám anh tận dụng nuôi 2 lợn nái và 20 lợn thịt… Năm 1996, tiền tích luỹ từ xay xát, nuôi lợn, anh vay thêm 20 triệu đồng ngân hàng mua xe công nông về chở vật liệu xây dựng, phân, lúa cho bà con.
Năm 1998, trong lúc xát gạo, chị Thắng không may bị máy cuốn đứt 4 ngón tay phải, anh quyết định bán máy xát để tập trung chạy công nông. "Nhiều khi chở cát, đá cho họ không có tiền họ trả bằng bò, bán thì rẻ nên tôi để lại nuôi. Lúc đầu có 2 con, rồi lên 4 con, 10 con, rồi vài chục con, vài trăm con" - anh Tăng kể.
Đang ăn nên làm ra, một trưa hè năm 2006, khi đang chở cát vào làng, một gã say rượu bám trèo lên xe mà anh không biết. Xe vào ổ gà, gã bị hất tung xuống đất chết ngay tại chỗ.
"Biết gã tự mình gây ra nên gia đình họ không kiện. Nhưng tôi vẫn phải nhượng cho gia đình nạn nhân vài đôi bò làm vốn. Sau "vận đen" này, tôi bán luôn công nông chuyển sang nuôi trâu, bò và trồng mía" - anh Tăng nhớ lại.
"Bén duyên" trâu, bò…
Khép lại quá khứ buồn, anh hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình. Trang trại trâu, bò và rừng lát, sao đen, luồng của anh nằm tít trên thung lũng cách nhà khoảng 4 cây số.
Cuốc bộ cùng anh qua một rừng luồng, rồi đến khu trồng lát, sao đen và trên cùng là bãi chăn thả trâu, bò tự nhiên. Anh Tăng bảo, trang trại của anh đi cả ngày cũng không hết, nên để tiện cho việc chăn thả, anh đào hào, rào thép gai xung quanh. Anh đang thuê 4 công nhân chăn trâu, bò. Sáng thả, chiều tối lên núi đuổi trâu, bò về. Đồng cỏ bao la xanh mướt, nên con nào cũng béo tròn.
Anh Đỗ Xuân Tăng
Ngoài trồng luồng, lát, sao đen và chăn nuôi trâu, bò, anh còn thuê 6ha đất trồng mía đường và mua một máy cày rãnh mía vừa phục vụ gia đình, vừa cày thuê cho người dân. Năm 2010, anh thu gần 200 triệu đồng từ bán mía và gần 80 triệu đồng tiền cày thuê.
Gần 30ha luồng đang cho thu hoạch tỉa, năm ngoái, anh thu hơn 40 triệu đồng. Không chỉ vậy, anh còn cho các hộ nghèo nuôi rẽ trâu, bò làm vốn. Khi trâu, bò đẻ được 2 con thì chủ 1 con, người nuôi 1 con.
Anh Hoàng Văn Sơn - một người chăn trâu, bò thuê cho anh Tăng phấn khởi nói: "Tôi làm cho anh Tăng 4 năm nay rồi, nhờ anh Tăng cho nuôi rẽ, nay tôi đã có 2 con bò làm vốn, cuối năm nay chắc sẽ được thêm 1 con nữa".
Anh Tăng bảo, điều anh vui nhất là con cái học hành đến nơi đến chốn, trưởng thành và giúp nhiều người có việc làm từng bước thoát nghèo...
Việt Tùng