Dàn cảnh va chạm xe, trộm tài sản
Khoảng 16h chiều ngày mồng 7 Tết (14.2), anh Nguyễn Thành T (28 tuổi, Hà Nội) điều khiển xe Honda Lead chở bạn gái lưu thông trên tuyến đường Giảng Võ đến ngã tư giao cắt về phố Cát Linh thì dừng xe chờ đèn đỏ. Khi đèn đỏ còn khoảng hơn 30 giây, anh T bị người đằng sau húc nhiều lần vào bên trái xe. Theo phản xạ, anh T và bạn gái quay đầu nhìn lại đằng sau thì thấy một người đàn ông trung niên điều khiển xe Wave không đội mũ bảo hiểm đang cố tình điều khiển xe va chạm với mình.
Anh T quay lại thì thấy một đối tượng điều khiển xe Air Blade dừng cạnh bên tay phải đang thò tay vào móc túi xách của bạn gái treo đằng trước xe.
Anh T đạp vào người khiến tên này ngã ra đường thì xuất hiện thêm một đối tượng lạ mặt và người đâm vào xe anh lao vào gây sự đuổi đánh.
Thấy yếu thế, nạn nhân liền hô "cướp" nhiều lần nhưng không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào của người đi đường. Không làm được gì, anh T chấp nhận lùi lại để bảo vệ bạn gái trước sự hung hãn của những đối tượng gây án.
Khu vực ngã tư Cát Linh - Giảng Võ nơi xảy ra vụ việc.
Đó là chỉ là một vụ việc điển hình về những vụ dàn cảnh trộm cắp tài sản xảy ra trong thời gian vừa qua được nhiều nạn nhân phản ảnh trên mạng xã hội và các diễn đàn mạng.
Cách đây một thời gian không lâu, mạng xã hội Facebook xôn xao đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đi xe SH ngất xỉu giữa ở ngã tư phố Bạch Mai - Minh Khai (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Theo thông tin được chia sẻ, cô gái bị ngất xỉu chính là nạn nhân trong một vụ dàn cảnh va chạm giao thông để cướp tài sản. Biết bị mất tài sản, cô gái đuổi theo kẻ gây án nhưng bất thành. Sau đó cô gái ngất xỉu và người dân quanh khu vực đã đưa cô gái vào lề đường để sơ cứu.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, lợi dụng lúc người dân đứng chờ đèn đỏ, một đối tượng giả vờ va chạm vào đuôi xe, mục đích của chúng gây sự chú ý khi bị hại quay lại nói chuyện. Lúc này, đối tượng còn lại trộm túi xách và tăng ga bỏ chạy.
Theo trình báo của bị hại, trong chiếc túi xách bị mất có 50 triệu đồng.
Sự bàng quan, thờ ơ của người đi đường
Rất nhiều lần trên phương tiện truyền thông đại chúng, cơ quan chức năng khuyên người dân không nên đối đầu trực tiếp với tội phạm mà hô hoán để những người xung quanh giúp sức. Nạn nhân đã làm như vậy nhưng điều anh T nhận được là sự thờ ơ.
"Nhìn lại sự việc, kể cả nếu mất của tôi cũng không tiếc vì đã làm hết những gì có thể để bảo vệ tính mạng và tài sản. Thế nhưng điều làm tôi suy nghĩ và buồn nhất là không hiểu tại sao dù đã nhiều lần hô "cướp, cướp" rất lớn, mọi người dừng đèn đỏ đều nghe thấy nhưng không ai trợ giúp mà chỉ đứng nhìn" - anh T chia sẻ.
ThS Nguyễn Tuấn Dũng - chuyên gia xã hội học đánh giá thực trạng này cho rằng: "Đi đường, thấy có người bị nạn mà không giúp đưa đến bệnh viện là vô cảm, không có tình người. Nếu là tai nạn giao thông liên quan đến tính mạng thì phải được cơ quan chức năng làm rõ hành vi phạm tội “không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Tuy nhiên, đúng là có không ít trường hợp cứu người lại vướng vào những rắc rối pháp lý. Chính vì vậy đã phát sinh tâm lý không dám cứu giúp người bị nạn.