Dân Việt

Này chàng trai 10 tuổi, con tặng quà gì cho bạn gái?

Hoài Nam 16/02/2016 10:41 GMT+7
“Này chàng trai 10 tuổi, con tặng quà gì cho bạn gái?” - Có thể nhiều người sẽ choáng váng nhưng đó là câu hỏi rất thật tình, nghiêm túc của chị Hiền dành cho cậu con trai học lớp 5 của mình trong ngày Valentine.

Điều bất ngờ không chỉ nằm ở câu hỏi của người mẹ mà còn ở trả lời quá ư tự nhiên của cậu trai: “Con “bo xì” bạn Hường rồi, con gái mà dữ dằn quá, toàn cầm dép rượt bọn con trai”. Thế là thêm một mối tình nữa của cậu con tan vỡ.

Chị Hiền cười nhẹ, nói lời an ủi con: “Dịp này mà không có bạn gái đúng buồn thiệt. Cô đơn một thời gian nha chàng trai, mai mốt con lại gặp “người trong mộng” ngay ấy mà”.

Trái ngược với nhiều phụ huynh, xem tình yêu là chủ đề “nhạy cảm” cấm tiệt nói chuyện với con cái, kể cả khi con đã 15 - 18 tuổi thì chị Phan Thu Hiền, ở Tân Bình, TPHCM lại rất tích cực nói chuyện về tình yêu với con từ khi cháu học mầm non.

img

Thay vì bị cấm cản, học trò cần được học cách sống biết yêu thương. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Chị thường bắt đầu bằng những câu bâng quơ nhẹ nhàng. Trước hết, chị để ý xem cháu đang mến bạn nào. Chị nhớ lần đầu tiên con "biết yêu” là lúc 5 tuổi, một cô bạn cùng lớp mẫu giáo. Vậy là mỗi lúc đến đón con chị hay cười, hỏi han “đối tượng” của con. Trên đường về, chị xuýt xoa: “Bạn My lớp con dễ thương ghê. Mẹ mà là con trai, mẹ cũng sẽ quý bạn ấy mất thôi”.

Mới đầu cháu cũng ngại chối đây đẩy nhưng sau thì thấy mẹ mở lòng thì ôi thôi, chỉ cần được mẹ gợi ý là… tuôn hết. Cứ vậy, chị đã đồng hành không biết bao nhiêu mối tình con nít của con với rất nhiều điều thú vị.

Rồi chị kể, nhờ sự tương tác đó chị thấy con mình trưởng thành dần trong tình cảm. Ban đầu thầm thương trộm nhớ vì bạn có chiếc váy đẹp, có đôi mắt đẹp, thậm chí thích một người chỉ vì bạn được bố mẹ chở đi học bằng… ô tô. Sau này thì vì bạn học giỏi, bạn ngoan hiền, tốt bụng, nói chuyện dễ thương…

Ngộ nhất là lúc cháu… thất tình, chị thường lôi con đi ăn kem để nghe cháu tâm sự. Bà mẹ chỉ việc lắng nghe, lâu lâu gật gù: “Ngày nhỏ khi buồn chuyện tình cảm, mẹ cũng vật vã lắm, không được mạnh mẽ như con bây giờ đâu” làm cu cậu cười toe toét, ăn xong kem là hết buồn.

Nhiều người sẽ không đồng tình với việc “vẽ đường cho hươu chạy” của chị Hiền. Ngay trong gia đình, chồng và bố mẹ chồng lúc đầu cũng phản đối kịch liệt việc chị “suốt ngày nói chuyện vớ vẩn” với con nít. Nhưng với bà mẹ “cao tay” này, trẻ con cũng có và cần có những cảm xúc quý mến người người khác phái. Tình cảm của con nít, có lúc quý bạn nào đó một hai tuần là hết, bố mẹ mà lớn tiếng cấm cản thì trẻ xấu hổ, sợ hãi tìm cách che giấu và càng yêu… dữ dội.

Khi con chia sẻ chính là cơ hội để chị có thể dạy con biết yêu thương, thể hiện tình cảm đúng mực hay cách vượt qua những “cú sốc” của những rung động đầu đời.

Một bà mẹ ủng hộ con “yêu” từ khi 5 tuổi đối nghịch với vô số ông bố bà mẹ hiện nay. Khi phát hiện con mình “mới nứt mắt đã yêu với đương”, nhiều phụ huynh quy kết ngay con hư hỏng, lôi ra những mặt trái của tình yêu để hù dọa , ngăn cấm con.

Có không ít bà mẹ khi phát hiện con gái 15, 16 tuổi "bập" vào yêu đã như hóa điên phải tìm gặp bác sĩ tâm lý với nỗi hoảng sợ tột cùng “con tôi hỏng rồi”. Họ cứ tưởng rằng mình cấm cản được con mà đâu biết vì bị o ép, trẻ có thể làm đủ trò sau lưng bố mẹ.

Nhiều người thấy con “lớn vậy rồi rồi mà chả biết gì yêu với đương, chỉ biết học thôi” với niềm tự hào đầy mình. Trong khi hiện nay, đứa trẻ có điểm số có kém một chút cũng không đáng sợ bằng sống mà không biết yêu thương.

Mà rồi, bố mẹ có cấm thế nào đi chăng nữa thì các em vẫn cứ yêu. Bác sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tiến (câu lạc bộ tâm lý Trăng Non) chia sẻ, tình cảm học trò là những rung động mà ta không thể cố gắng làm ra nó và cũng không thể cố gắng làm mất nó đi.

Bố mẹ phải thấy hạnh phúc khi con trẻ có tình cảm yêu thương bởi điều đó cho thấy con mình có những cảm xúc lành mạnh, tự nhiên. Phụ huynh không thừa nhận những rung cảm đầu đời của con, tìm cách ngăn chặn thì sẽ nhận được sự chống cự, thu mình lại và thiếu sự chia sẻ tích cực từ con trẻ.

Sự cấm cản hay né tránh không chỉ làm cho sự kết nối giữa cha mẹ và con cái mất đi mà còn có thể đẩy con rơi vào “vùng nguy hiểm” trong tình cảm khi thiếu sự đồng hành của người lớn.