Dân Việt

Bộ Y tế: Hoá chất diệt muỗi nghi gây teo não chỉ dùng ở nước thải

Diệu Linh 16/02/2016 13:55 GMT+7
Ngày 16.2, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã sử dụng hơn 9.000 kg hoá chất để diệt muỗi Pyriproxyfen – chất nghi ngờ gây bệnh teo não ở Brazil nhưng chỉ dùng ở nước thải.

Tại cuộc họp của Bộ Y tế với đại diện Tổ chức Y tế thế giới và Cơ quan kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ CDC ngày 16.2, ông Tony Mount– đại diện CDC cho biết, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng khẳng định hoá chất diệt muỗi Pyriproxyfen có liên quan đến bệnh teo não ở thai nhi.

Trước đó, một nhóm bác sĩ người Argentina đã công bố bằng chứng cho rằng việc chính phủ Brazil bơm hoá chất Pyriproxyfen vào nước sinh hoạt để diệt ấu trùng muỗi đã khiến phụ nữ mang thai uống phải và sinh con bị dị tật đầu nhỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) từ năm 2013 đến nay,Việt Nam đã nhập 9.000kg hóa chất Pyriproxyfen để diệt ấu trùng muỗi (cung quăng, bọ gậy) nhưng chỉ dùng ở nước thải. Hoá chất Pyriproxyfen cũng được WHO cho phép sử dụng để diệt bọ gậy trong nhiều quốc gia. Cho đến nay vẫn chưa ghi nhận sự bất thường nào.

“Nếu có bằng chứng rõ ràng về việc hoá chất Pyriproxyfen có liên quan đến hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi thì Bộ Y tế sẽ ngừng sử dụng hoá chất này ngay” – ông Long khẳng định.

img

Diệt muỗi là cách để phòng chống bệnh do virus Zik gây ra

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 2007 đến nay, bệnh do virus Zika đã được ghi nhận tại 44 quốc gia trên thế giới. Nhưng chỉ riêng năm 2015 đến 2016 đã có 33 nước có bệnh, bệnh do virus Zika đã thâm nhập vào nhiều nước ngoài vùng châu Mỹ như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Pháp…

Khả năng bệnh do virus Zika vào Việt Nam là rất lớn. Việt Nam đang tăng cường khả năng giám sát bệnh, song song với giám sát bệnh sốt xuất huyết, cùng do muỗi Aedes lây truyền. Hiện Viện Paster Tp Hồ Chí Minh đã lấy hơn 1.000 mẫu giám sát virus Zika tại 8 điểm để xét nghiệm nhưng chưa có kết quả.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, việc giám sát virus Zika rất khó khăn vì tới 80% người mang virus Zika không có triệu chứng. “Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc virus Zika gây ra bệnh đầu nhỏ ở Brazil vì vậy, Việt Nam chỉ nên tăng cường cảnh giác chứ không nên bỏ qua các bệnh dịch khác đang nguy hiểm và “nóng” hơn nhiều như tay chân miệng, viêm phổi, sốt xuất huyết… Đồng thời tăng cường siêu âm thai sớm để tìm dị tật đối với các phụ nữ mang thai chứ không nên để sinh ra rồi mới lo lắng, hoang mang” – TS Kính nhận định.

“Bệnh do virus Zika có biểu hiện khá giống với bệnh sốt xuất huyết như sốt, phát ban, đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Do đó, nếu người dân vừa đi từ vùng có dịch Zika sau 12 ngày cần phải khai báo cho cán bộ y tế biết để có chẩn đoán sát. Phụ nữ đang có ý định mang thai không nên đi đến vùng có virus Zika. Người dân cũng nên tăng cường diệt muỗi, diệt bọ gậy quanh nhà, đề phòng bị muỗi đốt” – TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.