Dân Việt

"Dở khóc dở cười" quanh chuyện xin chữ đầu năm

Mai Anh 16/02/2016 15:06 GMT+7
Xin chữ là nét văn hóa đẹp mỗi độ xuân về và ai cũng muốn có một chữ treo trong nhà để cầu may mắn trong năm mới. Xung quanh việc xin chữ cũng có nhiều câu chuyện thú vị xuất phát từ sự ngô nghê và “hồn nhiên” của người xin chữ cũng như “nỗi lòng” của những ông đồ.

Xin chữ nhưng không hiểu nghĩa chữ

Ghé vào gian hàng của ông đồ Chu Văn Thịnh lúc ông đang bận rộn đón khách, tuy nhiên ông vẫn dành thời gian để tiếp chuyện chúng tôi, chia sẻ nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” về việc cho chữ. Trái với suy nghĩ của nhiều người, hiện nay không phải chỉ những người lớn tuổi, tầng lớp trung niên hay những người có công việc ổn định, mà nhu cầu xin chữ của những người trẻ như sinh viên, học sinh cũng rất cao. Cũng bởi vậy mà nhiều người đi xin chữ không hiểu hết những nét nghĩa của chữ. 

img

Ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc đưa Hội chữ vào hồ Văn sẽ tránh được tình trạng lộn xộn, ép khách

Có những người nghe người nọ người kia mách nên mặc dù không hiểu chữ nhưng vẫn nhất quyết xin chữ bằng được. “Có rất nhiều người muốn xin chữ “Nhẫn” nhưng không phải chữ này lúc nào cũng hay nhất trong mọi trường hợp” - ông Chu Văn Thịnh cho biết. Chính bởi sự không hiểu biết của người xin chữ mới xảy ra nhiều câu chuyện khá buồn cười xung quanh việc cho chữ. Chẳng là Tết nọ, ông gặp một đôi vợ chồng vừa kết hôn, đang mong muốn có con đầu lòng. Bởi vậy ông cho chữ “Hồng phúc”.

Năm sau, người vợ quay lại gian hàng của ông. Lúc ấy có một cặp đôi khác cũng là “vợ chồng son”, hỏi ông xin chữ gì thì tốt. Ông chưa kịp trả lời thì chị ấy nói ngay “Xin chữ “Hồng phúc” đi”… Ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng, CLB Nghệ thuật Thư pháp Hương Nam cho biết: “Có những phụ nữ đang mới mang thai đến tháng thứ tư nhưng nhất định xin chữ tài, xin lộc cho em bé. Tôi nói ngay, “Nhỏ như vậy cần gì phải chức tước”. Như vậy là không phù hợp”. 

Cũng theo ông Chu Văn Thịnh, rất nhiều người có quan điểm chưa đúng về những yếu tố tác động đến việc cho chữ. Thậm chí nhiều người hiểu sai khi cho rằng tuổi nào phải xin loại… giấy đó hay nhất thiết phải treo chữ trên bàn thờ hoặc nơi thờ tự thì mới tôn nghiêm… Trong khi điều quan trọng là chữ có phù hợp với mình không, có tác động như thế nào về mặt tinh thần đến hoàn cảnh, tâm trạng của từng người không thì nhiều người lại bỏ qua. Thế mới thấy, xin chữ hay cho chữ cũng cần phải có hiểu biết và kiến thức, có sự sàng lọc chứ không thể  “ai chỉ gì nghe nấy”. 

Hội chữ là sân chơi

Trước khi các ông đồ được đưa vào khu vực hồ Văn, đã có nhiều ý kiến bất đồng xung quanh việc đi hay ở. Nhiều người thậm chí còn phản đối gay gắt việc di dời phố ông đồ ngoài khu vực vỉa hè Văn Miếu. Theo ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng là người đã có mặt tại hồ Văn từ năm 2010 đến nay: “Tôi cho rằng, đưa vào hồ Văn rất hợp lý vì ở đây có tường, có cửa, có bảo vệ, các ông đồ được đặt dưới sự “quản lý”.

Còn ngoài kia cả một dãy phố, bức tường cổ kính đẹp như vậy mà ông đồ “đóng đinh” ở đó thì không nên. Thêm nữa là ở ngoài vỉa hè, ai thích ngồi thì ngồi, người nhô ra, người thụt vào. Giá cả thì thích như thế nào cũng được nên nó gây ra tâm lý không thoải mái cho người đi xin chữ”.

Cũng theo ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng, việc để nguyên phố ông đồ trên vỉa hè Văn Miếu rất dễ tiếp tay cho ông đồ “nhảy dù”, buôn chữ kiếm lời và cạnh tranh không lành mạnh với những ông đồ chân chính. Được biết, mỗi ông đồ đều phải có một cam kết với Ban tổ chức về việc phải có thẻ mới được hành nghề, đồng thời không những phải tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn mà còn phải có thái độ cư xử đúng mực với du khách cũng như các ông đồ khác. 

Đồng tình với ý kiến này, ông đồ Chu Văn Thịnh cho hay, “Có những người coi hội chữ là nơi để kiếm tiền. Nhưng với tôi đây là sân chơi chứ không phải để làm kinh tế. Giá chữ đơn giản tôi chỉ lấy vài chục nghìn nhưng có những chữ dụng công thì sẽ lên đến hàng triệu đồng. Còn lại tùy thuộc vào tấm lòng của người xin chữ”. Thiết nghĩ, chữ có linh ứng, có phù hợp hay không phụ thuộc vào cái tâm của người cho và xin chữ.

Và để Hội chữ không bị “thương mại hóa”, là nơi mặc cả, mua bán, “chặt chém” thì mỗi người tham gia Hội chữ đều tâm niệm mỗi chữ được cho và nhận đều truyền tải một giá trị văn hóa. Thành tâm, đúng mực, không những người được nhận mà người cho chữ cũng được an nhiên hưởng phúc.