Dân Việt

Không còn cảnh sinh con... giữa rừng

06/12/2012 06:52 GMT+7
(Dân Việt) - Xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai có 16 làng với 1.100 hộ, trong đó có đến hơn 85% số dân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ba Na. Năm 2003, Trạm xá Tơ Tung được đầu tư xây dựng với mức kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Trạm có quy mô 7 phòng khoa khép kín gồm: Phòng khám, phòng sinh, cấp cứu, hậu sản, ngoại khoa, dược và kế hoạch hoá gia đình. Trạm có 10 giường bệnh nội trú, cùng các trang thiết bị và dụng cụ y tế cần thiết, phục vụ cho người bệnh một cách tốt nhất.  Đội ngũ thầy thuốc của trạm có 10 cán bộ nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ.

img
Cán bộ y tế xã xuống tận bản khám chữa bệnh cho đồng bào.

Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay Trạm Y tế xã Tơ Tung đã tạo được nền nếp và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho bà con dân tộc ở các buôn làng trên địa bàn, tạo niềm tin cho cộng đồng. Nếu như trước đây, bà con thường mổ bò, heo và mời thầy "mo" cúng Yàng (Trời) để chữa bệnh, phụ nữ sinh phải sinh đẻ ngoài rừng..., thì nay tập quán này gần như “xoá sổ”.

Người dân trong xã đã tự nguyện đến với trạm xá xã để được khám và điều trị bệnh ngày càng nhiều hơn. Ông Đinh Yom ở làng Stơr (Tơ Tung) - người dân tộc Ba Na tâm sự: “Năm nay mình đã 76 tuổi rồi và thường xuyên hay đau bệnh về già. Tháng nào mình cũng đến trạm xá 4 - 5 lần để khám và lấy thuốc cấp miễn phí”.

Theo bác sĩ Vi Thị Đặng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tơ Tung, bình quân mỗi tháng trạm tiếp nhận từ 300 - 500 bệnh nhân đến khám và điều trị. “Khi một người có bệnh nặng được chữa khỏi là cả làng đều biết và càng tin tưởng vững chắc đối với nơi mình đến điều trị” - bác sĩ Vi Thị Đặng cho biết.