Dân Việt

Tiếng cười trên đỉnh Pu Khăm

Kiều Thiện 19/02/2016 06:00 GMT+7
Phù Yên là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, với hơn 11.400 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi thế, đây cũng là địa bàn đầu tư trọng điểm trong công tác dân tộc của tỉnh.

Riêng năm 2015, Phù Yên đã được hưởng tổng mức đầu tư gần 33,3 tỷ đồng từ các chương trình, dự án, trong đó Chương trình 135 chiếm hơn 18,5 tỷ đồng.

img

Về với điểm tái định cư Pu Khăm (Phù Yên, Sơn La). Ảnh: Kiều Thiện

Tái định cư cho dân bớt khó

Con đường nhựa rộng mở mới được nghiệm thu, bàn giao vào cuối năm 2015 đưa chúng tôi về bản tái định cư Pu Khăm, xã Quang Huy, huyện Phù Yên. Ông Cầm Ngọc Thúy - Trưởng phòng Dân tộc huyện Phù Yên cho biết: Đợt này chúng tôi có 2 điểm đón dân tái định cư trong chương trình hỗ trợ di dân vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn là Pu Khăm (xã Quang Huy) và Cổng Trời (xã Huy Tường). Hai dự án đã được phê duyệt từ năm 2009 nhưng đến nay mới có vốn để hoàn thành. Theo đó, 2 điểm sẽ đón 121 hộ người Mông, vốn sống ở các khu vực hẻo lánh, không đảm bảo an toàn mùa mưa lũ.

"Cũng như nhiều chương trình khác trong chính sách dân tộc, Chương trình 135 ở Phù Yên tuy mức đầu tư còn khiêm tốn nhưng đã thiết thực góp phần giúp hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc từng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn lên ấm no, hạnh phúc hơn”.

Ông Cầm Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên

Điểm tái định cư Pu Khăm gồm những căn nhà lợp fibro-xi măng rộng rãi và vững chãi, có nhà văn hóa, lớp học, nước sinh hoạt, đường bê tông xuyên bản. Điện đã tỏa sáng trong mỗi nếp nhà.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Giám đốc Doanh nghiệp Duy Hưng (Phù Yên), đơn vị thi công cho biết: “Dự toán mức đầu tư được xây dựng từ năm 2008 nên đến nay vốn cho công trình bị đội lên nhiều, nhưng  cũng chưa được điều chỉnh. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thi công đảm bảo tiến độ, số hạng mục và chất lượng, bởi chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa của công trình này với người dân nghèo”.

Từ bỏ du canh du cư

Bên bể nước sạch mới xây cạnh chái nhà, anh Vàng A Thái, chủ hộ tươi cười nói: "Chúng tôi là dân bản Suối Ngang của xã Quang Huy, cách con đường lớn này 10km. Đường vào bản đến giờ cũng chỉ có ngựa đi được. Năm 2008, khi biết Nhà nước giúp chúng tôi di chuyển đến Pu Khăm để cuộc sống thuận lợi hơn, chúng tôi vui lắm. Mong đợi mãi, cuối cùng năm vừa qua chúng tôi cũng được ra đây bốc thăm chọn nền nhà, nhận hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ sản xuất. Ở Pu Khăm này, chúng tôi có nước sạch, có điện, có lớp cho con cái đi học, gần trạm y tế, có nhà văn hóa để vui chơi... Ai cũng vui cái bụng và biết ơn Nhà nước đấy".

Nói về hiệu quả đầu tư của chính sách dân tộc trên địa bàn, ông Sồng A Tu, dân bản Suối Khang (Phù Yên) bảo: “Nhà nước giúp người Mông ta nhiều lắm đấy, cấp từ hạt thóc, ngô giống tới con lợn, con gà, bò, dê. Cái nhà này, cái đường này, lớp học kia cũng là nhờ Chương trình 135 đấy. Có chính sách dân tộc về với vùng cao, nhiều nhà không chỉ hết đói mà còn từ bỏ du canh du cư, bỏ tái trồng cây thuốc phiện, không phá rừng lấy gỗ, làm nương bừa bãi nữa…”.