Dữ dội và giàu cảm xúc, bộ phim dù chỉ được duy nhất một đề cử Oscar năm nay nhưng đó là đề cử xứng đáng nhất, dành cho nữ chính Jennifer Lawrence
Biểu tượng của sự nữ quyền
Trong số các gương mặt được đề cử Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm nay, Jennifer Lawrence là một trong những gương mặt sáng giá nhất. Dù từng đoạt Oscar cách đây vài năm và tuổi đời còn khá trẻ nhưng giới chuyên môn vẫn liên tục dự đoán năm nay cô sẽ tiếp tục đoạt tượng vàng.
Lý do rất đơn giản, diễn xuất của Jennifer Lawrence trong phim Joy quá tuyệt vời, vừa dung dị, bình thản lại vừa nữ tính, giàu cảm xúc. Không chỉ thể hiện trọn vẹn được tinh thần và thông điệp chính của bộ phim, Jennifer Lawrence còn rũ bỏ được những hình ảnh cũ kỹ của mình, để lại đằng sau những hào quang của vai diễn trong loạt phim The Hunger Games, cô hóa thân thành một nữ doanh nhân tập tễnh khởi nghiệp ngoan cường, cứng rắn nhưng cũng đầy lòng bao dung.
Jennifer Lawrence có vai diễn ấn tượng, để lại dấu ân sâu sắc trong lòng khán giả.
Với sự hỗ trợ và chỉ đạo của David O. Russell, vị đạo diễn quen thuộc từng nhiều lần cộng tác, Jennifer Lawrence đã có thể phát huy được hết sức mạnh của mình. Từ giọng nói, cách biểu cảm gương mặt cho đến cách tiết chế dáng đi, biểu cảm hình thể của cô đều phù hợp với nhân vật Joy.
Joy là biểu tượng một người phụ nữ đa đoan nhưng bất hạnh, có tài nhưng chưa gặp thời. Sóng gió lúc nào cũng chực chờ ập xuống đầu cô, nhưng may mắn thay, cũng như chính cái tên của mình (Joy tức là niềm vui), cô gần như chưa bao giờ từ bỏ hy vọng về hạnh phúc.
Xem phim, khán giả sẽ khó lòng thoát khỏi được cái cảm giác nhập tâm cùng nhân vật, yêu thương nhân vật và lo lắng cho cô như thể tất cả khó khăn ấy là của chính mình. Bởi hơn bao giờ hết, David O. Russell biết chuyển tải những gì chân thực, cô đọng và chuẩn xác nhất đến người xem. Ông không bao giờ màu mè, hoa mỹ trong cách làm phim, và chính điều đó đã tạo nên sự gần gũi.
Jennifer Lawrence may mắn có được vai diễn này, và có lẽ, khó ai sẽ có thể phàn nàn gì nếu năm nay cô được xướng danh trên bục nhận giải Oscar. Năm nay, cô là một đại diện khó chối cãi của hình ảnh nữ quyền trên màn ảnh rộng, mạnh mẽ và giàu đức hy sinh.
Nhân vật Joy được xem là biểu tượng của nữ quyền.
Một bài thơ buồn với kết thúc có hậu
Xét về kịch bản, Joy là một bộ phim có câu chuyện không mới. Nó đơn thuần chỉ là câu chuyện xoay quanh một người phụ nữ vì phải lo cho gia đình, gặp áp lực kinh tế nên phải dấn thân vào kinh doanh, nghĩ ra ý tưởng để kiếm sống. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng nữ chính Joy cũng tìm ra được phương cách để đổi đời mình.
Quen thuộc là thế, nhưng cái hay của bộ phim này là nó không tạo ra cảm giác nhàm chán. Cách xử lý nhịp độ phim vừa phải, dung hòa được giữa sự tĩnh lặng và cái ồn ào của đạo diễn David O. Russell đã níu chân người xem.
Bên cạnh đó, sự dồn nén cảm xúc bằng cả một trường đoạn mở đầu rất dài cho khán giả thấy rõ cuộc sống bế tắc của Joy cũng là một phương pháp tốt để thu hút khán giả. Người xem càng xem càng thấy gần gũi, họ bị hút vào trong bởi yếu tố chân thật và có được ngay cái cảm giác đó chính là cuộc sống của mình.
Phim có nhiều phân đoạn ấm áp về tình cảm gia đình khiến người xem xúc động.
Năm 2013, David O. Russell có thực hiện mộ bộ phim về đề tài tài chính, tiền tệ tên là American Hustle. Dù được giới chuyên môn đánh giá cao và có đến 5 đề cử Oscar nhưng tác phẩm này lại không được lòng công chúng bởi nội dung phức tạp, câu chuyện thiếu gần gũi.
Lần này, Joy cũng là bộ phim xoay quanh những câu chuyện tài chính, nhưng nó lại phù hợp và thu hút hơn với khán giả. Đạo diễn đã kết hợp được rất hòa quyện và khéo léo giữa cái gai góc, dữ dội của thế giới thương trường và sự mềm mại, ướt át của yếu tố gia đình.
Bên cạnh những khoảnh khắc rất “máu lửa” của việc kinh doanh và những câu thoại về luật, hợp đồng, mua bán, vẫn còn đó những phân cảnh rất ấm áp, tĩnh lặng và đáng trân trọng về tình yêu đôi lứa, tình mẹ con, tình bố con và tình bạn.
Cái kết lạc quan của phim Joy sau cùng cũng là thứ khiến cho toàn bộ tác phẩm này trở nên ý nghĩa hơn. Bởi nó không chỉ tôn cao biểu tượng nữ quyền, nói về một cô gái “không cần hoàng tử” và muốn “tự xây một lâu đời”, mà nó còn nhắc nhớ cho tất cả mọi người biết rằng dù cuộc sống đôi lúc có khó khăn, chông gai đến đâu, chỉ cần còn có hy vọng và biết tự tạo ra niềm vui (joy) cho bản thân mình, là đều có thể vượt qua.