Dân Việt

Đại hạn 100 năm tái diễn ở vựa lúa

Huỳnh Xây 18/02/2016 08:59 GMT+7
Hôm qua (17.2), tại TP.Cần Thơ, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

 An ninh lương thực bị “đe doạ”

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hiện nay, mặn đang xâm nhập sâu vào các địa phương vùng ĐBSCL. Tình trạng này đến sớm hơn 2 tháng, có khả năng xâm nhập sâu và kết thúc muộn hơn so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán tới nay, nhiều cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang không nghỉ ngơi vì lo hạn, mặn. Tình trạng này đang diễn ra gay gắt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nghiêm trọng nhất là huyện Long Mỹ. Theo đó, độ mặn cao nhất được đo là từ 10 -12‰ ở các cửa sông, còn trong nội đồng khoảng 3‰”.

img

Người dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh mất trắng vụ lúa đông xuân 2015-2016 vì hạn, mặn. HUỲNH XÂY

Ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thì cho rằng, tình trạng hạn mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh là “mới thấy lần đầu”. “Tháng 6 và tháng 7.2015 – 2 tháng này chưa bao giờ thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt ở Kiên Giang nhưng đã xảy ra ở TP.Rạch Giá. Ngay trong đợt tết vừa qua, các hồ nước ngọt trên địa bàn tỉnh cũng không lấy được nước. Còn vùng lúa đông xuân và lúa mùa vùng U Minh Thượng cũng đã có 34.000ha đã thiệt nặng vì hạn mặn. Tình trạng này chưa dừng lại” – ông Nhịn lo lắng.

Vụ lúa đông xuân 2015 – 2016, vùng ĐBSCL có 104.000ha bị ảnh hưởng nặng do hạn, mặn, chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa đông xuân toàn vùng; vụ mùa (chủ yếu sản xuất ở Kiên Giang) 57.899ha bị ảnh hưởng; vụ thu đông muộn (chủ yếu ở Cà Mau và Bạc Liêu) có 32.000ha bị ảnh hưởng. 

Nếu các địa phương trên bị mặn xâm nhập ở một vài khu vực thì tỉnh Cà Mau lại bị ảnh hưởng ở toàn bộ diện tích lúa. Theo ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đến nay, tỉnh này đã có 18.000ha lúa bị ảnh hưởng (khoảng 13.000ha bị thiệt hại 75%), trong đó 56% là diện tích lúa trên đất nuôi tôm. Cũng theo ông Hải, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, gió thổi mạnh thì tới đây, một số vùng thuộc hệ sinh thái nước ngọt đang được bảo vệ sẽ bị nhiễm mặn.

Ngoài 3 địa phương trên, theo Bộ NNPTNT, diện tích lúa đông xuân 2015-2016 của 5 địa phương ven biển như: Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn với tổng diện tích lên đến 971.000ha, chiếm 62,12% diện tích xuống giống. Ngoài lúa, nhiều vườn cây ăn trái ở các địa phương, trong đó cả Vĩnh Long, địa phương chưa từng bị mặn xâm nhập đã bị thiệt hại năng suất.

Chống mặn là ưu tiên số 1

Cho đến nay, các địa phương ở ĐBSCL đã chủ động trong công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Ông Nguyễn Phong Quang – Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Tình trạng hạn, mặn đã và đang tác động trực tiếp đến 18 triệu dân ở vùng ĐBSCL. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực cả nước và chính trị rất lớn. Vì vậy, các địa phương và bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương thực hiện phương án trước mắt, có tính đến hiệu quả lâu dài”.

img

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, tình trạng hạn, mặn đang xảy ra ở ĐBSCL là thiên tai rất nghiêm trọng, không ai hình dung được vì không hề biết. Thực tế, thời gian qua, có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại vì chưa được tuyên truyền từ cơ quan nhà nước. Đây là công việc của tất cả các ngành, chứ không riêng ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chỉ tính Kiên Giang và Cà Mau đã có 1 triệu ha lúa đông xuân 2015-2016 bị ảnh hưởng, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng của người dân đã mất. Con số này chưa dừng lại ở đây mà còn nhiều hơn, trầm trọng hơn.

img

Người dân Trà Vinh mất trắng vụ lúa đông xuân 2015-2016 vì hạn, mặn. Huỳnh Xây

Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu trong tuần này, các địa phương phải thông báo đến dân, chính quyền các cấp biết về tình trạng trên. “Bây giờ không thể chờ đợi nữa. Các địa phương phải tính kỹ, có kế hoạch hợp lý để bảo đảm dân có đủ nước sinh hoạt. Đồng thời, tôi cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ ngay cho người dân có diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 70% trở lên, sau đó tính lại với Bộ Tài chính” – ông Phát nói.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các địa phương đã có những sáng kiến, chủ động trong công tác phòng chống hạn mặn. Về ngân sách hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài nguồn vốn T.Ư, cần cả nguồn ngân sách quốc tế, đồng thời lưu ý, các địa phương sử dụng ngân sách kịp thời, hiệu quả và đúng đối tượng.

“Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NNPTNT trình gấp ngân sách hỗ trợ cho các địa phương ngay sau hội nghị. Đây là thiên tai nên phải giải quyết nhanh, không để thủ tục quá kéo dài ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Các địa phương không để dịch bệnh xảy ra vì hạn mặn, không gây hoang mang mà bình tĩnh xử lý. Chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa không đảm bảo nguồn nước sáng cây trồng phù hợp với nước mặn, nước lợ” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.