Phát biểu trước báo giới ngày 17.2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: "Rất nhiều bằng chứng xuất hiện mỗi ngày về hành động gia tăng quân sự hoá ở nhiều hình thức khác nhau. Đây là mối quan ngại nghiêm trọng”.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định, Mỹ đã nhiều lần đối thoại với Trung Quốc về vấn đề quân sự hóa trên Biển Đông. Ông khẳng định, “Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rằng không tiến tới quân sự hoá ở Biển Đông” và cho biết, trong chuyến thăm Washington hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với với Tổng thống Barack Obama rằng, Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
Trước thông tin Trung Quốc điều tên lửa không đối không trái phép tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Washington chắc chắc sẽ tiếp tục đối thoại cực kỳ nghiêm túc với phía Trung Quốc về vấn đề này, đồng thời bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ nỗ lực giải quyết các tranh chấp hàng hải, "không phải thông qua hành động đơn phương, không phải bằng vũ lực, không phải bằng cách quân sự hóa mà bằng ngoại giao và bằng cách làm việc với các quốc gia liên quan khác".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
"Chúng tôi đã có cuộc những thảo luận với người Trung Quốc và trong những ngày tới, chúng tôi sẽ có thêm những cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ.
Trong khi đó, Lầu Năm góc hôm nay (18.2) cũng ra thông báo khẳng định Bắc Kinh triển khai tên lửa tới Biển Đông, đồng thời lên án hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Theo Reuters, thông báo trên của Lầu Năm góc cũng dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại. Thông báo cũng kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, cam kết giải quyết hòa bình những bất đồng liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông công khai cam kết cùng dừng cải tạo, xây các cơ sở hạ tầng mới và quân sự hóa thêm ở các thực thể tranh chấp", ông Bill Urban, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ phát biểu.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc.
Đồng minh của Mỹ, Nhật Bản ngày 17.2 cũng đã bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc" trước thông tin Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tới quần đảo Hoàng Sa, theo hãng tin Kyodo.
Phát biểu trước báo giới, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh, Tokyo "hết sức quan ngại" về mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Ông mạnh mẽ khẳng định Tokyo "chưa bao giờ chấp nhận những hành động như một việc đã rồi và nhấn mạnh, nước này đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Chính phủ (Nhật Bản) đang thu thập thông tin và phân tích những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông với sự quan ngại lớn", ông Yoshihide Suga nhấn mạnh.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, Tokyo đang "quan ngại sâu sắc" về nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng kêu gọi Trung Quốc "giải thích rõ ràng" về thông tin nước này triển khai tên lửa đất đối không trái phép tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do Bắc Kinh khẳng định không có ý định quân sự hóa các đảo trên Biển Đông như lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói trong chuyến thăm Mỹ năm 2015.
Về phần mình, ngày 17.2, trả lời báo giới về thông tin Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi mập mờ cho biết, ông không rõ tình hình cụ thể, song nguỵ biện rằng, "bất kỳ cơ sở nào được xây dựng đều liên quan tới quốc phòng chứ không phải hành động quân sứ hóa".
Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó tuyên bố, thông tin Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là sản phẩm của truyền thông phương Tây.
Trước đó, ngày 17.2, trang Fox News đăng các ảnh vệ tinh dân sự cho thấy Trung Quốc đã đưa nhiều tên lửa đất đối không HQ-9 hiện đại đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo hình ảnh vệ tinh, 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar được triển khai trong tuần trước. Hệ thống này có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
Thiếu tướng David Lo, phát ngôn viên cơ quan quân sự đảo Đài Loan, cũng khẳng định Trung Quốc đại lục đã triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm.