Dân Việt

Thu hồi thẻ khi nhà báo bị khởi tố có hợp lý?

Ngọc Lương 18/02/2016 11:27 GMT+7
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã bày tỏ ý kiến băn khoăn xung quanh quy định thu hồi thẻ nhà báo khi góp ý vào dự án Luật báo chí (sửa đổi) sáng 18.2, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Điều 58 về Xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí trong dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), có quy định về trường hợp người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo trong các trường hợp: Bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can; Bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc bị khiển trách hai (2) lần liên tục trong hai (2) năm...

img

(Ảnh minh họa)

Góp ý về quy định này Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã bày tỏ ý kiến băn khoăn. "Nhà báo mới bị khởi tố bị can mà thu hồi thẻ nhà báo của họ, trường hợp điều tra không xác định hành vi phạm tội của họ phải đình chỉ vụ án thì sao, nên quy định tạm thu hồi thẻ nhà báo là phù hợp hơn" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý.

Về quy định thu hồi thẻ nhà báo trong trường hợp nhà báo đó bị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc bị khiển trách hai lần liên tục trong hai năm, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cần phải cân nhắc. Bởi lỗi của nhà báo dẫn đến việc bị kỷ luật có từ hoạt động nghề nghiệp chuyên môn không hay xuất phát từ đời sống xã hội. Trường hợp nhà báo mắc lỗi do vô ý bị khiển trách 2 lần bị thu hồi thẻ là nặng, cần xem xét, cân nhắc quy định này.

Về việc  bảo vệ người cung cấp thông tin cho báo chí, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật cho biết: Một số ý kiến đề nghị không nên yêu cầu tiết lộ người cung cấp thông tin cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng vì loại tội phạm này rất phổ biến quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Tiếp thu ý kiến đề nghị Ban soạn thảo đã sửa. Theo đó, cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

"Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ người cung cấp thông tin mà báo chí, nhà báo đã cung cấp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; Các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin”- ông Đào Trọng Thi cho hay.