“Ngày xưa thế nào, bây giờ vẫn thế”
Những ngày đầu năm đến với thôn Nà Trào, bà con đã lục tục kéo nhau ra đồng để cấy lúa cho đúng mùa vụ, mặc dù vậy không khí xuân vẫn còn đọng lại trên từng gương mặt, trong mỗi ngôi nhà. Các hoạt động vui chơi như múa hát, đánh yến, đánh quay, đánh còn vẫn diễn ra... Nghệ nhân dân gian Hoàng Xuân Xiềng cho hay: “Người Giáy thường vui xuân đến hết tháng Giêng. Ngày xưa thế nào, bây giờ vẫn như thế. Chúng tôi vẫn giữ gìn và làm theo như cha ông đã truyền lại. Đến đời mình, tôi lại truyền cho con cháu mình, từ các bài cúng, điệu hát cho đến những lễ tục”.
Điệu múa trống mang lại may mắn đầu năm mới. Ảnh: Lê San
Đặc trưng nhất trong văn hoá của người Giáy là lễ hội mừng năm mới. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và cũng là dịp thể hiện hết những tinh hoa và nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Giáy. “Lễ hội Mừng năm mới của người Giáy được tổ chức rất đơn giản, chỉ làm mâm cơm cúng là con gà, bánh chưng, đĩa xôi, chén rượu và không có nhiều kiêng kị như phải cấm người ngoài… Ai cũng được tham gia, càng đông càng vui.
Người Giáy không theo một tôn giáo nào. Theo quan niệm của chúng tôi, Ông (được thờ trong miếu Ông) và Bà (được thờ trong miếu Bà) chính là tổ tiên của dân tộc Giáy, đồng thời cũng là những người che chở, bảo vệ cho con cháu người Giáy. Lễ hội Mừng năm mới chính là dịp để mời ông bà tổ tiên về chung vui với con cháu và cầu mong an lành, mùa màng bội thu” – ông Xiềng giới thiệu.
Ông Lù Văn Chổm – Phó Bí thư xã Tát Ngà, người con của dân tộc Giáy tự hào cho biết: Trong các dân tộc trên địa bàn xã, dân tộc Giáy vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn các nét văn hoá của cha ông mình. Truyền thống văn hoá giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nối cộng đồng dân tộc. Lớp người già như ông Hoàng Xuân Xiềng rất quan tâm truyền lại bản sắc văn hoá dân tộc cho con cháu. Lớp thanh niên cũng rất có ý thức về nguồn cội của mình. Chẳng hạn như việc học lại các bài cúng, bài hát bằng chữ Nho khó và mất thời gian, nhưng cũng đã có rất nhiều cháu tham gia.
Lễ hội Mừng năm mới của người Giáy ở Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. |
Người trẻ đam mê
Sau phần lễ là phần hội, suốt tháng Giêng, bà con thường tụ tập với nhau để múa hát, đánh trống, chúc tụng… Giữa sân nhà, một đôi nam nữ đang gõ trống theo nhịp, xung quanh các thanh niên nam nữ mặc trang phục dân tộc lần lượt theo nhau múa vòng quanh trống. Điệu múa với những động tác đơn giản nhưng vui nhộn, nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Em Hoàng Thị Mai chia sẻ: “Chúng em biết hát, biết nhảy múa, đánh trống đều do người lớn dạy. Khi có văn nghệ hay đi giao lưu ở đâu, chúng em không cần phải tập luyện gì nhiều, giống như là đã ngấm vào máu, thành thói quen rồi”.
Với anh Hoàng Văn Hợi, học để giữ gìn văn hoá truyền thống của mình là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm. Để đọc được những bài cúng, bài hát của dân tộc mình do cha ông để lại bằng chữ Nho, anh phải mất 3 năm liên tục. “Ban ngày đi làm, tối mới đến nhà người già để học từng chữ một. Ngày nào cũng như ngày nào, suốt 3 năm liền mới có thể đọc được. Nhiều khi cũng thấy nản lắm nhưng nghĩ tới việc phải lưu giữ bản sắc văn hoá của dân tộc, mình phải cố gắng. Đến nay, mình hầu như có thể thực hiện được tất cả những lễ tục, nhớ được tất cả các bài hát đối đáp, bài cúng …” – anh Hợi nói.