Dân Việt

Chùm ảnh: Hạn mặn khiến dân miền Tây khốn khổ thế nào?

Huỳnh Xây - Chúc Ly 18/02/2016 19:42 GMT+7
Theo ngành chức năng các địa phương ĐBSCL, trong 100 năm qua, nơi đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng hạn, mặn như hiện nay.

Theo đó, tổng lượng mưa hiện nay thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%; mực nước thượng nguồn tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua; nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,50C, nhiệt độ cao nhất ở mức 33-370C. Tình trạng này sẽ còn diễn ra kéo dài và còn nghiêm trọng hơn nếu không có mưa và không có biện pháp can thiệp nhanh chóng và hợp lý.

Tình trạng trên đã khiến cho hàng trăm nghìn diện tích lúa đông xuân, lúa mùa và thu đông muộn đang bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng.

img

Từ trước tết Nguyên đán đến nay, con kênh Bưng Con (xã Viên An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) gần như khô cạn

img

Những nền ruộng khô khan, nứt nẻ tại ấp 4, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

img

Không tưới được nước, 2.000 m2 diện tích rau màu của anh Trần Phương ở ấp Bờ Đập, xã Viên An bị khô cháy, hư hại hoàn toàn

Hiện khu vực các cửa sông như sông Tiền, sông Hậu, sông cái Lớn, sông Vàm Cỏ đều bị mặn xâm nhập cao, sâu và tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015.

img

 Nhiều người dân ở xã Viên An cho biết, phải thức trắng đêm để “mót”  lượng nước ít ỏi còn sót lại trên kênh để tưới cho rau màu

Cụ thể, tại khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền: so với cùng kỳ cao hơn 1,7 – 9,1 g/l (một lít nước có 1,7 – 9,1 gam muối), vào sâu 40 – 65km, tăng 15km; khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu: so với cùng kỳ cao hơn từ 5,4 – 11,7g/l, vào sâu 60km, tăng 15km; khu vực ven biển Tây (trên sông cái Lớn): so với cùng kỳ cao hơn 5,5 – 7,8g/l, vào sâu 60km, tăng 20km; khu vực sông Vàm Cỏ: so với cùng kỳ cao hơn từ 6,2-7,7g/l; vào sâu 93km, tăng 10km…

img

 Theo ngành chức năng huyện Trần Đề, ngoài xã An Biên, còn rất nhiều xã lân cận có nhiều diện tích rau màu đang trong tình trạng nguy cấp vì thiếu nước tưới

img

Không riêng gì huyện Trần Đề, nhiều địa phương khác thuộc tỉnh Sóc Trăng cũng xảy ra đại hạn. Không chờ được nguồn nước ngọt, nhiều người đã quyết định bán lúa non. Trong ảnh, ông Văn Hùng (ngụ ấp Tân Lực, xã Tân Hưng, huyện Long Phú) đã bán 1,2ha lúa non cho người dân khác với giá 310.000 đồng/1.000m2 (công), trong khi chi phí sản xuất đến thời điểm đó là khoảng 600.000 đồng/công.

img

Nhiều người mua lại lúa non chỉ để cho bò ăn

img

 Cũng như tỉnh Sóc Trăng, nhiều diện tích lúa đông xuân 2015-2016 ở tỉnh Trà Vinh bị mất trắng vì hạn, mặn.

img

Chị Phạm Minh Thư, ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết, có 4.000m2 lúa bị chết khô

img

img

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh này có 7.651ha lúa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Trong đó, tập trung nhiều ở huyện Cầu Ngang và Trà Cú

img

Ông Nguyễn Văn Trưởng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: “Chưa năm nào nước mặn lại bao vây toàn bộ tỉnh Trà Vinh như năm nay. Để hạn chế tình trạng mặn lấn sâu vào nội đồng, ngành chức năng cho đóng hết các cống”.

img

img

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, nhiều vườn cây ăn trái ở tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng cũng đang bị thiệt hại vì hạn mặn

img

img

Ông Trần Công Chánh – Bí thư tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết, từ trong tết Nguyên đán đến nay, các ngành chức năng tỉnh luôn túc trực, theo dõi độ mặn để đưa ra phương án phòng chống, đồng thời thông báo tin tức đến mọi người dân địa phương được biết.