Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước, hiện nay thông tin trên mạng ngày càng tăng, đây là xu hướng không thể đảo ngược được. “Rất tiếc việc quản lý, kiểm soát vấn đề thông tin trên mạng gần như vắng bóng trong dự thảo Luật Báo chí, như vậy không đáp ứng được thực tiễn hiện nay” - ông Ksor Phước nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, trước mắt cần có quy định điều chỉnh, quản lý các trang mạng “bên trong”, tức trang này đặt máy chủ ở Việt Nam. Nếu để trống mảng này thì dự thảo luật chỉ đáp ứng được 40% yêu cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên làm việc sáng 18.2. Ảnh: Internet
Đồng tình với ý kiến của ông Ksor, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề: Nếu đưa trang tin điện tử tổng hợp ra ngoài sự điều chỉnh của dự luật, vậy nó có phải là sản phẩm báo chí không. "Trang tin điện tử tổng hợp do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cấp phép, nhiều trang có lượng người truy cập hàng ngày rất nhiều mà ta lại bỏ ra ngoài luật, không quản lý. Vậy thì không biết quản lý thế nào?" - ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, hiện có nhiều ý kiến băn khoăn quy định liên quan các trang thông tin điện tử. Hiện các trang này được Bộ và Sở Thông tin – Truyền thông cấp phép, trong đó Hà Nội và TP.HCM cấp phép nhiều nhất, với số lượng hàng nghìn trang. Lý giải về việc dự luật không điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) cho rằng: “Mặc dù truyền thông xã hội đang phát triển nhanh chóng và được tạo điều kiện nhưng Luật Báo chí không điều chỉnh mà đã có Nghị định 72/2013 với chế tài chặt chẽ. Nếu dự luật này điều chỉnh các trang mạng xã hội vô hình trung lại công nhận blog cá nhân là báo chí. Sau này nghiên cứu có thể đưa Nghị định 72/2013 lên thành luật để quản lý truyền thông ngoài báo chí” - ông Nguyễn Bắc Son cho biết.
Góp ý vào vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Bao nhiêu năm mới sửa Luật Báo chí nên đây là cơ hội để sửa, điều chỉnh thực tế. Cần quy định tương đối nguyên tắc trong luật, còn nói có nghị định rồi nên luật không bao vùng ấy là không ổn chút nào”.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần điều chỉnh các trang thông tin điện tử. Nếu nội dung này chưa kịp thể hiện trong dự thảo thì chưa trình Quốc hội để có thời gian hoàn thiện, bảo đảm chất lượng./.