Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói như vậy với phóng viên NTNN xung quanh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với việc Chính phủ xin lùi thời gian trình dự Luật Biểu tình.
Cần sớm có Luật Biểu tình để người dân có quyền được biểu thị thái độ của mình. Ảnh: L.H.T
Thưa ông, tại phiên họp lần 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xin lùi thời gian trình dự Luật Biểu tình, nhưng Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiên quyết không cho lùi, ông có đánh giá gì?
- Quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuất phát từ việc thực hiện các thiết chế của Hiến pháp năm 2013. Cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch Quốc hội đã rất chú trọng đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ví dụ như tất cả các văn bản tư pháp liên quan đến quyền con người đều được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải hoàn thiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này.
Với tinh thần đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17.2, khi Chính phủ xin lùi thời gian trình dự Luật Biểu tình, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu yêu cầu Chính phủ hoàn thiện dự luật này để trình ra kỳ họp Quốc hội lần thứ 11 (tháng 3.2016) theo như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Muốn hoàn thiện sớm dự luật thì quyết tâm phải cao, làm ngày làm đêm sẽ có một dự thảo luật chất lượng.
Việc dự luật bị lùi đi lùi lại có tác động thế nào đối với dư luận xã hội thưa ông?
- Dự luật không nên lùi đi lùi lại mãi, vấn đề nhạy cảm mà cứ lùi thì người ta không nghĩ chúng ta gặp khó khăn này kia mà nghĩ méo mó, rằng chúng ta không muốn đổi mới theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng xuyên tạc, làm dư luận hiểu sai vấn đề.
Thực ra Chính phủ xin lùi thời gian trình dự Luật Biểu tình cũng có lý do, như chất lượng văn bản chưa kỹ, ví dụ phạm vi điều chỉnh có cho người nước ngoài tham gia không, rồi những vấn đề khác còn có ý kiến khác nhau.... Chưa làm rõ nên có thể lùi lại một thời gian để tính cho kỹ. Vì vấn đề nhạy cảm mà ra luật không chuẩn sẽ gây phức tạp cho xã hội.
Nghị quyết của Quốc hội là cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 11, đó là quyết tâm của Quốc hội, còn Chính phủ có thực hiện được hay không thì các bên còn phải tính với nhau. Nhưng kiểu gì cũng phải đảm bảo chất lượng của văn bản, đảm bảo rằng khi luật ra đời sẽ giúp cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân.
Nếu không thực hiện theo đúng Nghị quyết mà Quốc hội đề ra về dự Luật Biểu tình, Chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?
- Thực ra trách nhiệm này mang tính chính trị là chính. Công việc xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách là một việc lâu dài, có thể Chính phủ chuẩn bị theo Nghị quyết của Quốc hội như vậy nhưng vì khó khăn, vì lĩnh vực phức tạp cần phải lấy ý kiến thêm nhiều đối tượng khác, cần phải nghiên cứu kỹ hơn nên Chính phủ mới xin lùi. Tôi nghĩ đó cũng là chuyện bình thường, không nên đặt nặng vấn đề trách nhiệm.
Trong quá trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội đã có trường hợp dự luật nào phải lùi đi, lùi lại như thế này thưa ông?
- Đã có nhiều dự luật bị lùi thời gian trình rồi, nghĩa là không chuẩn bị kịp thì lùi chứ không nên cố. Nếu cố trình mà văn bản luật ra đời không đảm bảo chất lượng tác hại còn lớn hơn. Nguyên tắc là văn bản luật phải đảm bảo chất lượng mới trình Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!
"Quá trình xây dựng dự luật này tôi cũng có một số lần được hỏi ý kiến. Tôi thấy đó là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, phải bàn thêm nhiều khía cạnh. Mấy tháng nay tôi chưa tiếp cận với bản thảo mới nhưng nếu Chính phủ thấy chưa ổn thì cũng chưa nên trình ra Quốc hội”. Ông Nguyễn Đình Quyền |