0h10 ngày 16.11.2011, trong màn đêm lạnh, bảy chiếc tàu cá cùng bảy thuyền trưởng và những ngư dân cuối cùng bị bắt ở Palawan (Philippines) đã về đến cảng Phú Quý (xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận) trong sự mừng tủi của người thân và gia đình.
Cùng lúc này, điện thoại của luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM) reo vang. Đầu dây bên kia, những thân chủ - ngư dân của ông rối rít nói lời cám ơn và bày tỏ quyết tâm làm lại từ đầu, nhất quyết không bỏ nghề, bỏ biển. Họ vừa tự do sau gần sáu tháng bị bắt giữ vì cáo buộc xâm nhập và đánh cá trái phép tại vùng biển Philippines.
Hành trình thu thập chứng cứ
Câu chuyện của một ngày tháng 5.2011 u ám như vẫn còn trong tâm tưởng mỗi người. Ngày đó cả bảy tàu cá và 122 ngư dân vừa đến cảng Palawan thì bị hải quân Philippines bắt giữ vì cho rằng họ có hành vi xâm nhập và đánh cá trái phép tại vùng biển Philippines. Những ngư dân nghèo khổ và thiếu kiến thức pháp luật may mắn gặp được một người Việt Nam (VN) tại đây và nhờ người này liên hệ với LS Hà Hải để trợ giúp pháp lý cho họ. “Gặp tôi sau này, họ nói sở dĩ họ nhờ tôi là vì họ biết tôi qua báo chí trước đó” - LS Hải kể.
Nhận lời hỗ trợ pháp lý, lập tức LS Hà Hải và cộng sự bay ngay sang Palawan gặp các thân chủ. Nơi tạm giam 122 con người chỉ khoảng 70m2, nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại trên các khuôn mặt sạm đen. Những ngư dân ngồi lặng im, mắt thấm đẫm nỗi lo áo cơm. Một ngư dân thốt lên: “Bát cơm cay đắng vô vùng”. Có gia đình 2-3 thành viên cùng bị giam. Có gia đình hai anh em phải chắt chiu vay mượn đầu làng cuối ngõ để có tiền đi biển.
Về nước, LS Hải tìm kiếm, tiếp nhận chứng cứ xác định ngư dân là những người nghèo, ít hiểu biết. Các con tàu bị tạm giữ là tàu họ thuê. Ra Hà Nội, LS Hải đến Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ TN&MT) để đề nghị cung cấp dữ liệu nhằm chứng minh biển động vào thời gian các ngư dân dạt vào bờ biển. Đó là sự kiện bất khả kháng, tàu bè có quyền dạt vào bờ biển gần nhất để lánh, tức họ không xâm phạm lãnh hải bất hợp pháp. Cơ quan này đã có văn bản gửi cơ quan thẩm quyền Philippines xác nhận sự kiện này.
LS Hà Hải và ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ VN tại Philippines thời điểm các ngư dân bị bắt. Ảnh do LS Hà Hải cung cấp.
Gặp mặt đại sứ VN tại Philippines lúc bấy giờ, ông Nguyễn Vũ Tú, LS Hải đưa ra giấy tờ có hơn 120 chữ ký cậy nhờ hỗ trợ pháp lý và đề nghị đại sứ lưu tâm, dành thời gian để có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công dân nước mình. LS Hải chứng minh với ông đại sứ rằng những ngư dân của mình chỉ là nạn nhân, bởi họ bị những người môi giới đánh bắt xa bờ lừa dối qua đây vì chỉ có công ty liên danh hoặc người địa phương mới có thể đánh bắt tại vùng biển này…
Đó là những việc LS Hải và cộng sự đã làm để bảo vệ tốt nhất cho ngư dân. Những lý lẽ của LS Hải đã thuyết phục được ngài đại sứ, ông cử người theo chân LS Hải, xác định rõ ngư dân VN là nạn nhân.
Tất cả đều trắng án
Tại tòa, công tố viện cáo buộc các ngư dân ba tội: Xâm nhập lãnh hải trái phép, khai thác hải sản trái phép và đánh bắt động vật quý hiếm.
LS Hà Hải đấu với công tố viện rằng ngư dân VN không đánh bắt tại Philippines, tàu vừa dạt vào thì đã bị bắt rồi. Chứng cứ gỡ tội là lời khai của các ngư dân về việc dạt vào vùng biển nước bạn. Chứng cứ buộc tội chỉ có những con rùa trên tàu nhưng muốn kết tội thì phải chứng minh rùa bị đánh bắt tại Philippines.
Với khả năng tiếng Anh và tiếng Hoa thuần thục, LS Hải không gặp bất cứ rào cản nào trong nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ và giao tiếp, trình bày trước tòa. Tòa tuyên một tội là xâm phạm lãnh hải trái phép, trả tài sản và trục xuất.
Sau một ngày dài đấu lý, kết quả là tòa tuyên các ngư dân chỉ phạm một tội xâm phạm lãnh hải trái phép. Tuy nhiên, tòa xác định các ngư dân phạm tội trong trường hợp bất khả kháng nên tuyên trục xuất các ngư dân về nước…
Với kết quả này xem như 122 ngư dân trắng án, họ chỉ phải làm thủ tục để về nước.
Với bảy chiếc tàu, LS Hải đưa ra chứng cứ đó là tài sản của người khác, các ngư dân không có hành vi vi phạm pháp luật, không trả về thì sẽ để lại những hệ lụy lớn. Họ không thể mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình…
Tuy án tòa không giải quyết ngay nhưng đến 24.10.2011, Văn phòng Phủ tổng thống Philippines đã có quyết định trao trả bảy con tàu này cho đại sứ VN tại Philippines. “Tàu ở lại thì đại sứ về. Câu nói ấy của ngài đại sứ khiến tôi luôn cảm kích. Và cuối cùng phương tiện sinh nhai của những ngư dân một đời bám biển đã trở về với chủ của nó” - LS Hải nhớ lại.
***
Ngoài vụ trên đây, LS Hải còn nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí cho nhiều vụ án khác nữa. Điều lạ là rất nhiều vụ bảo vệ công dân VN tại nước ngoài, LS Hải đều làm miễn phí. “Chi phí từ đâu mà LS có thể làm nhiều vụ miễn phí tốn kém như vậy, đặc biệt là phải di chuyển nhiều lần ra nước ngoài?” - tôi hỏi. “Chúng tôi lấy hoạt động tư vấn có doanh thu bù qua. Những chi phí của hoạt động tranh tụng khá tốn kém vì đi lại nhiều. Tuy vậy việc hỗ trợ pháp lý cho công dân, tổ chức VN ở nước ngoài tại tòa án và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài mang lại niềm vui cho chúng tôi vì đã đóng góp cho xã hội, đúng với tâm nguyện khi hành nghề” - LS Hải nói.
Người đồng hành cùng chị Hồng ve chai Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (còn gọi là chị Hồng ve chai) nhặt được 5 triệu yen Nhật từ thùng loa cũ. Sau đó có nhiều quan điểm trái chiều trong việc xác lập quyền sở hữu số tiền này. Trong khi nhiều người bàn ra tán vào, LS Hà Hải đã xắn tay áo hỗ trợ pháp lý cho chị Hồng. LS Hải đã tiếp cận, thuyết phục cơ quan chức năng phải bảo vệ quyền lợi cho người chấp hành đúng pháp luật là chị Hồng, dù thời điểm này còn nhiều quan điểm pháp lý trái chiều. “Luật là phải bảo vệ được đám đông, bảo vệ người làm đúng pháp luật chứ không bảo vệ người tự đặt mình ngoài vòng pháp luật (trường hợp bà Ngọt nại rằng có đăng ký kết hôn nhưng chưa ghi chú kết hôn tại VN với người chồng nước ngoài mà bà cho là chủ nhân của số tiền yen nói trên)" - LS Hải nói. Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Hoàng Chương (trái) tặng hoa cho chị Hồng ve chai và LS Hà Hải trong buổi giao lưu với bạn đọc của báo. Ảnh: Huyền Vi Cuối cùng, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đã giao trả 5 triệu yen cho chị Hồng. “Vụ này mình đã tìm được sự ủng hộ của công luận trên tinh thần bảo vệ tốt nhất cho thân chủ. Kết quả tốt đẹp cho chị Hồng là nhờ công của công luận 70%” - LS Hải cười. |