Lý Bạch trong cơn say, nhảy xuống sông bắt trăng và chết đuối. Tản Đà chỉ sống đến tuổi năm ba, chết trong cảnh nghèo và suy nhược. Người đời thương tiếc hai ông, nhưng thôi, "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt"... cả hai đều để lại danh lớn và nhiều tuyệt tác lừng danh.
Nhậu nhẹt đầu Xuân là “tật” của người Việt Nam. ảnh:I.T
Gọi là "hay rượu", nhưng tài uống rượu của nhà thơ xưa khác nay nhiều lắm. Lý Bạch dù có câu thơ nổi tiếng "hội tu nhất ẩm tam bách bôi" (họp nhau lại cùng uống phải đủ ba trăm chén). Bôi (chén) ngày xưa là cái thứ chén chũm cau, tam bách bôi chung lại khoảng một lít là cùng! Mà đó là thứ rượu quý, "đẩu tửu thập thiên", một đấu rượu một ngàn lạng bạc hay vàng. Thức nhắm thì không phải cóc xanh, ổi ương hay cơm cháy mà phải "phanh dương tể ngưu"(mổ trâu, giết dê).
Tản Đà có bài thơ "Gặp Xuân", uống rượu với mùa Xuân, "Gặp Xuân ta giữ Xuân chơi/ Câu thơ chén rượu là nơi đi về", bài thơ cho ta biết thú uống rượu thanh cao của ông, một nhà nho "sinh bất phùng thời", nghèo nhưng mà sang. Gọi là uống với mùa Xuân nhưng thực ra ngồi uống một mình, buồn nẫu ruột. Các nhà thơ mới đang lên ngôi, họ trọng ông nhưng không bù khú với ông. Còn bạn già thì chắc ông cũng chẳng muốn chơi với họ.
Cả Lý Bạch lẫn Tản Đà đều dùng rượu để giải sầu. "Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu"(Rượu hãy cùng ta làm tan mối sầu vạn cổ - Lý Bạch). Bác sĩ đều nói: uống rượu đế giải sầu là rất độc hại. Khó cãi.
Không chỉ các nhà thơ mà đàn ông nước ta, nhất là thanh niên, đang rất ham rượu và bia. Người người uống, nhà nhà uống, có thể nói cả một phong trào thi nhau uống, thi nhau nhậu. Nhậu bất kỳ lúc nào, sáng trưa chiều tối, ngày dài lại đêm thâu. Nhậu bất kỳ đâu, trong nhà, ngoài đường phố, kể cả trên nắp ống cống.
Nhậu bất kỳ với thứ rượu nào, người có tiền hay được tặng rượu như các nhà thơ thì uống rượu Tây, vài triệu một chai, có khi là giả, dân nghèo thì quốc lủi có pha urê, nghe nói người nấu có kinh nghiệm thì thêm một chút phân chó cho có mùi quyến rũ, giá chỉ vài chục ngàn một lít. Còn bia thì thôi rồi Lượm ơi, "hội tu" bợm nhậu có máu mặt nốc mười, hai mươi lon là chuyện nhỏ!
Uống để giải sầu (thường là bị vợ đuổi), để mua vui lâu ngày gặp nhau, để chạy việc, để xin một chữ ký ra tiền hoặc chẳng vì cớ gì hết, chỉ là hôm nay chưa nhậu thì nhậu, thế thôi!
Chuyện nhậu ngày nay có nhiều cái khác: Lý Bạch, Tản Đà làm hàng ngàn bài thơ rồi mới nổi tiếng hay rượu, còn nhiều nhà thơ nước ta nổi tiếng là bợm nhậu rồi mới làm thơ, mà thơ chẳng khác gì vè. Còn người bình thường thì không hề biết rằng, họ đang đưa lá gan và ca ung thư cuối đời đổi một buổi chém gió vui vẻ hay một bản hợp đồng.
Gọi đang có một phong trào tự sát tập thể vô ý thức bên bàn nhậu cũng không ngoa!.