Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Tiên Du, (Bắc Ninh) Phó trưởng ban tổ chức Hội Lim 2016, không khí lễ Hội Lim năm Bính Thân – 2016 năm nay diễn ra theo theo chủ đề lễ hội được tỉnh Bắc Ninh chủ trương: “Lễ hội văn minh, an toàn, lành mạnh góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, một số điểm vệ sinh mang tính tạm bợ, thậm chí nhiều du khách nam phóng uế ngoài khu vực nhà vệ sinh gây mất mĩ quan, phản cảm tại lễ hội.
Là người mới sử dụng “dịch vụ” vệ sinh công cộng trên đồi Lim được xây dựng tạm, có bạt che, chị Nguyễn Thị Khánh (Thanh Hà, Hải Dương) lắc đầu nguầy nguậy khuyên người nhà đừng vào trong đi vệ sinh: “Bẩn, mùi hôi thối nồng nặc. Điều này cũng không tránh khỏi khi lượng người ra vào nườm nượp”, chị Khánh cho hay.
Trước đó, đại diện ban tổ chức thông tin, trong mùa hội năm nay, đã xây tạm 4 khu vệ sinh trên đồi và sau lễ hội lại đập đi để tiếp tục chỉnh trang khu đồi Lim này. Thêm nữa, 12 khu vệ sinh lưu động tại 4 điểm khác nhau để phục vụ du khách đến trảy hội. Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều thùng rác được đặt tại các điểm hội để gìn giữ cảnh quan chung vậy mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người đi lễ hội.
Cũng trong ngày hội chính Hội Lim diễn ra màn thi đấu vật đầy kịch tính, hấp dẫn, hàng chục người già, trẻ chen chúc nhau nhảy lên ngôi mộ cổ để quan sát được toàn cảnh đấu vật diễn ra ngay bên cạnh. Khi được hỏi về ngôi mộ này, nhiều người già tại địa phương Tiên Du (Bắc Ninh) đều tỏ ra không biết rõ nguồn gốc, tên vị tiến sĩ đã khuất, chỉ biết ngôi mộ được đặt gần chân đồi Lim. Phần chữ còn lại trên bia mộ được phóng viên ghi nhận: “Cụ sinh năm 1400, mất năm 1470. Đỗ tiến sĩ khoa hoành tư, làm quan chức hàn lâm viện thị độc, nội mật viện phó sứ binh bộ thượng thư.
Tại chính hội, không có tình trạng liền anh, liền chị hát “lạc đề” sang chầu văn, nhảy đồng. Không có việc “ngả nón” xin tiền nhưng trên thuyền rồng chở liền anh, liền chị vẫn bưng cơi trầu nhận tiền du khách. Mỗi lần liền anh, liền chị quan họ vừa hát, vừa mời trầu, giao lưu với du khách gần xa đến trảy hội thì có nhiều người mến mộ không ngần ngại rút hầu bao “thưởng nóng” cho đoàn hát trên thuyền rồng. Mọi người tùy tâm gửi vào khay trầu số tiền có mệnh giá trị 10.000 đồng, 20.000 đồng, thậm chí có người bỏ cả vài trăm nghìn vào khay của liền anh, liền chị. Khi khay đã đầy, liền anh, liền chị công khai bỏ tiền từ khay vào chiếc hòm đã được chuẩn bị sẵn trên thuyền.
Sau đây là một số hình ảnh được phóng viên ghi nhận tại hội Lim năm nay:
Nhà vệ sinh công cộng trên đồi Lim được xây dựng tạm, có bạt che dành cho du khách.
Người già, trẻ chen chúc nhau nhảy lên ngôi mộ cổ để quan sát được toàn cảnh đấu vật diễn ra ngay bên cạnh.
Không có việc “ngả nón” xin tiền nhưng trên thuyền rồng chở liền anh, liền chị vẫn bưng cơi trầu nhận tiền du khách.
Mặc dù có nhiều biển báo cấm bán hàng rong tại Hội Lim 2016, tuy nhiên nhiều người bán hàng rong “di động” vẫn hoạt động.
Vẫn còn tồn tại một số người xin tiền tại Hội Lim.
Vẫn còn hiện tượng phật tử, du khách xoa tiền lẻ lên tượng Phật tại chùa Lim.