Bắc Kinh phải có hành động cứng rắn để "dạy cho Mỹ một bài học" nếu nước này tiếp tục có hành động liều lĩnh, bài xã luận đăng trên tài khoản mạng xã hội của của Nhân dân Nhật báo (People's Daily) viết.
Xã luận ngang nhiên cho rằng Trung Quốc phải khẳng định lập trường rõ ràng ở Hoàng Sa bằng hành động cứng rắn hơn với những sự "xâm phạm". Các biện pháp bao gồm áp tải các tàu dời đi, và trong kịch bản xấu nhất, "cố tình đâm vào các tàu để dạy cho họ một bài học".
Tàu chiến USS Curtis Wilbur của Mỹ. Ảnh: Reuters
Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng sau khi Bắc Kinh bắt đầu cải tạo phi pháp quy mô lớn các đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo. Mỹ đã cử một số tàu áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa, và tàu USS Curtis Wilbur tháng trước đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Lầu Năm Góc tuyên bố tàu thực hiện tự do đi lại trên biển.
Truyền thông Mỹ tuần này đưa tin Bắc Kinh đã thiết lập các hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên nói nước này "có quyền" triển khai vũ khí để bảo vệ cái mà họ gọi là "chủ quyền lãnh thổ".
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối việc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền ở Hoàng Sa, đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc. Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Phía Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái.