Dân Việt

Chú trọng hơn tới vùng sâu, vùng xa

15/07/2011 12:49 GMT+7
(Dân Việt) - Theo Bộ Y tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tới nay mới chỉ có hơn 40% số vị thành niên và thanh niên dân tộc được tiếp cận với các kiến thức về sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản.

Đánh giá này sát với nghiên cứu của Quỹ Ford và Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng thực hiện trong 3 năm ở 8 xã thuộc 2 tỉnh Yên Bái và Lạng Sơn. Từ đánh giá đó, 2 cơ quan nói trên đã xây dựng dự án cung cấp thông tin về sức khoẻ tình dục, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của nhóm đối tượng vị thành niên và thanh niên với những vấn đề trên.

img
Thanh niên huyện Văn Yên, Yên Bái tiếp nhận thông tin về sức khoẻ tình dục.

Em Phùng Thị Mùi, 19 tuổi (xã Mõ Vàng, Văn Yên, Yên Bái) cho biết: “Trước kia, em rất ngại nói về tình dục, sinh sản. Từ khi được tư vấn và được trực tiếp tham gia chương trình văn nghệ giao lưu về các vấn đề này, em thấy không còn ngại ngùng nữa”. Theo Mùi, tham gia dự án, em và các bạn không chỉ được tiếp cận nhiều kiến thức về tình dục, sinh sản mà hơn hết còn được giao lưu kết bạn, giúp đỡ nhau làm ăn, phát triển kinh tế tại địa phương.

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang- Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho biết, dự án đã mở được hơn 300 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tình dục tại 2 tỉnh, thành trên.

Kết quả quan trọng nhất mà dự án hướng tới là góp phần tạo dựng được một đội ngũ cán bộ có chuyên môn và hiểu biết để tiếp tục triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tình dục tại cộng đồng. “Đội ngũ cán bộ này sẽ tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu chương trình quốc gia về dân số và kế hoạch hoá gia đình, kể cả khi không còn đề án này”- bà Giang khẳng định.

Về phía địa phương, bác sĩ Lê Đình Tiến – Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: “Được cung cấp thông tin về sức khoẻ sinh sản, tình dục, tỷ lệ thanh niên tảo hôn ở tỉnh đã giảm hẳn xuống còn 1% (trước đó là 3%). Ngoài ra, số ca nạo hút thai ở lứa tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên cũng giảm đáng kể. Hầu hết đều biết sử dụng các biện pháp tránh thai để quan hệ tình dục an toàn”. Vì vậy, theo ông Tiến, cần đẩy mạnh hoạt động này cho đối tượng thanh niên các vùng dân tộc khác.

Ông Tiến cũng thừa nhận, dự án không chỉ tác động đến lớp trẻ là thanh niên người dân tộc, mà còn tác động lớn tới cả cha mẹ họ. “Tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản, tình dục không phải là mở đường cho hươu chạy mà là định hướng để các bạn trẻ hiểu và có biện pháp tự bảo vệ mình một cách an toàn nhất” - ông Tiến nói.