Lần đầu tiên tại khóa XIII của Quốc hội, cũng là trường hợp hiếm hoi trong công tác lập pháp, một ĐBQH đã trình sáng kiến luật ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội. Phóng viên NTNN có trao đổi với bà xung quanh vấn đề này.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội.
Xin bà chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc khi lần đầu trình một sáng kiến luật mà mình đã bao năm đeo đuổi?
- Việc trình sáng kiến luật ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi đã mong chờ mấy năm nay. Từ năm 2013 tôi đề xuất sáng kiến Luật Hành chính công, lúc đầu chỉ được ghi nhận.
Là ĐBQH tôi thấy từ trước tới nay trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh mình có tham gia đề xuất ý kiến và đã được ghi nhận, được làm thành luật, ví dụ như Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải cơ sở, Luật Thủ đô. Còn về đề xuất Luật Hành chính công mấy năm qua chẳng thấy có bộ, ngành nào nhất trí.
Tôi nghĩ mình phát hiện vấn đề đúng, đó là căn cứ từ các bộ, ngành nhiều nơi vẫn nói thiếu luật này, luật kia, thiếu cơ chế để triển khai, rồi trong báo cáo của bộ, ngành cũng thấy nói luật này vênh luật kia... Tôi băn khoăn suy nghĩ xem vấn đề là ở đâu, rõ ràng trong công tác lập pháp cần xem xét những đề xuất từ cơ sở, từ địa phương, từ những nhà quản lý.
Từ nghiên cứu và tìm hiểu trong thực tiễn, tôi đã đề xuất phải có Luật Hành chính công, luật này sẽ hạn chế những bất cập, "lấp đầy" một số khoảng trống pháp lý hiện hành trong quan hệ hành chính công.
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Xây dựng dự thảo cho sáng kiến luật không hề đơn giản, bà đã thực hiện việc đó thế nào?
- Năm 2013 là năm đầu tiên tôi tự mình nghiên cứu và làm, đến năm 2014 tôi nghĩ không thể một mình làm được nên bắt đầu đi tìm các chuyên gia, đó là các giảng viên chuyên dạy về Luật Hành chính ở Trường ĐH Luật Hà Nội, các giảng viên chuyên giảng dạy về nhà nước pháp luật ở Học viện Hành chính Quốc gia để hỗ trợ. Khi ngồi trao đổi, các giảng viên rất hoan nghênh sáng kiến của tôi, họ nói đi giảng dạy bao nhiêu năm với các luật khác rất dễ, riêng Luật Hành chính thì khó dạy bởi phải "nhặt" mỗi nơi một tí để giảng cho sinh viên.
Là phụ nữ, công việc hằng ngày cũng khá bộn rộn, bà có lường trước những khó khăn khi đeo đuổi sáng kiến của mình thưa bà?
- Tính đến nay, tôi cũng đã có 3 khóa tham gia làm công tác lập pháp nên biết rõ khó khăn của công tác làm luật (ĐBQH khóa XI, XII và XIII - PV). Từ khi có ý tưởng tôi cũng thấy rõ những khó khăn về nhiều mặt sẽ đến với mình nếu theo đuổi, nhưng tôi nghĩ nếu không bắt tay vào làm thì bao giờ mới có.
Tôi thấy các bộ, ngành đều bận việc, chẳng có thời gian để ý vào việc kết nối các bộ với nhau, mình là ĐBQH thấy có sự vênh nhau, chưa kết nối giữa các bộ, thôi thì các bộ bận thì xắn tay giúp, mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các ĐBQH để cùng nhau xây dựng thành dự thảo luật. Tôi cũng lường trước trường hợp không còn là ĐBQH nữa tôi sẽ nói rõ với các ĐBQH khóa XIV để họ tiếp tục, bởi nếu không có luật thì nền hành chính của chúng ta vẫn tốn tiền, vẫn bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Trong mấy năm nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Hành chính công, bà và nhóm cộng sự đã nhận được sự giúp đỡ gì từ cơ quan chức năng?
- Tháng 5.2015, lần đầu tiên trong Nghị quyết của Quốc hội đã giao chính thức cho Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội phải hỗ trợ cho ĐBQH. Từ khi bắt đầu có nghị quyết đó, tôi và nhóm cộng sự nhận được giúp đỡ tối đa. Chúng tôi đã tổ chức được các cuộc hội thảo, nghiên cứu, làm việc, đến nay đã xây dựng được dự thảo Luật Hành chính công với 6 chương, 60 điều.
Trước bà cũng đã có trường hợp ĐBQH trình sáng kiến luật nhưng chưa trường hợp nào thành công, bà có lo lắng gì về điều này?
- Tôi có một niềm tin mãnh liệt, thứ nhất là ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này có những đổi mới rất mạnh mẽ trong công tác lập pháp. Nghị quyết của Quốc hội tạo điều kiện mạnh mẽ cho ĐBQH có sáng kiến luật, kể cả về cơ chế chính sách để thuê chuyên gia giúp sức. Thứ hai, tôi tin tưởng vào chủ trương của Đảng, thể hiện lớn nhất là trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn kiện của Đại hội đã khẳng định đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác lập pháp, cũng như cải cách nền hành chính để phục vụ nhân dân. Rõ ràng đó là những tư tưởng lớn, chủ trương lớn đã đưa ra cần phải triển khai trong thực tiễn.
Nếu dự luật này được Quốc hội xem xét tôi nghĩ đối với quốc tế người ta cũng thấy mình tiếp cận sát với vấn đề theo hướng hiện đại, hội nhập. Ý tưởng đó tạo niềm tin cho tôi, tôi không có ngại dù khó khăn, vất vả tôi có thể làm chưa thành công nhưng sẽ có người khác tiếp tục làm.
Xin cảm ơn bà!
Nếu dự luật này được Quốc hội xem xét tôi nghĩ đối với quốc tế người ta cũng thấy mình tiếp cận sát với vấn đề theo hướng hiện đại, hội nhập. Ý tưởng đó tạo niềm tin cho tôi, tôi không có ngại dù khó khăn, vất vả tôi có thể làm chưa thành công nhưng sẽ có người khác tiếp tục làm”. |