Dân Việt

Nơi nơi lắp camera giám sát - niềm tin rơi rụng?

Trường học lắp camera để giám sát việc dạy của giáo viên, phòng tiếp dân lắp camera để cán bộ tiếp dân không “có cơ hội” sách nhiễu…

Cứ thế, không biết tự bao giờ, cái camera phòng kẻ xấu bỗng trở thành một thứ “quyền lực” vô hình để chấn chỉnh con người. Phải chăng niềm tin đã rơi rụng? NTNN/Dân Việt ghi nhận nhiều ý kiến bạn đọc, nhà quản lý và các chuyên gia xung quanh  vấn đề này.

Cần tế nhị và tính toán kỹ

Tôi nghĩ việc lắp camera cũng có lợi chứ không có gì quá đáng. Trường tôi cũng lắp camera để góp phần quản lý học sinh. Ví dụ như trong giờ kiểm tra viết, khi biết ngoài thầy giáo trông coi còn có thiết bị theo dõi giám sát thì các em học sinh sẽ làm bài nghiêm túc hơn. Còn với tâm lý giáo viên đứng lớp thì tôi nghĩ việc lắp camera cũng không ảnh hưởng gì. Bởi vì chúng tôi lắp chủ yếu là điều chỉnh hướng máy về phía học sinh để xem các em có ồn ào không chứ rất ít, thậm chí không quay lên bục giảng. Tuy nhiên, đúng là việc lắp đặt camera trong trường học cần phải hết sức tế nhị và phải được xem xét, sắp đặt một cách kỹ lưỡng.

PGS-TS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh

img

Màn hình quản lý camera quan sát tại một trường học phổ thông. Ảnh minh họa: I.T

Tránh việc lạm dụng

Tôi cho rằng việc lắp đặt camera ở nơi công cộng là rất tốt vì nó khiến mọi thành viên, mọi bộ máy phải thực thi công vụ làm đúng quy trình, quy phạm. Điều đó góp phần đẩy lùi được những tiêu cực trong các ngành nghề, lĩnh vực nhạy cảm như y tế, ngân hàng, giao thông... Tuy nhiên, cũng cần tránh việc lạm dụng việc lắp camera để tập hợp thông tin nhằm khống chế, uy hiếp người khác. Và quan trọng là quy định rõ việc ai có quyền tiếp cận và sử dụng thông tin đó để đạt được hiệu quả thực sự của việc lắp camera giám sát.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học)

Phải chăng không còn ai tin ai?

Theo tôi việc lắp camera giám sát toàn bộ hoạt động công quyền là tốt, ít nhất là với Việt Nam thời điểm hiện tại. Nhưng nó lại lộ ra một thực trạng xã hội "không ai tin ai" và sâu xa hơn là không đủ ý thức thượng tôn pháp luật.

Vì sao phải giám sát? Vì nghi ngờ và không có lòng tin hoặc chưa đủ lòng tin. Nếu các cá nhân của xã hội đều ý thức tôn trọng luật sẽ không có điều này. Cũng không thể bắt họ phải thực hiện theo ý thức văn minh ngay được mà cần có thời gian.Và thời gian ấy dành để giáo dục. Không phải thứ giáo dục áp đặt mà là giáo dục sự tự nguyện. Muốn có giáo dục tự nguyện, trước hết phải chấp nhận sự giáo dục cơ sở khoa học. Và không có thứ khoa học nào tách rời đời sống cả!

Ông Mai Quốc Ấn (Biên Hòa, Đồng Nai)

Có tác dụng  đảm bảo an ninh

Trụ sở UBND huyện tôi đã lắp camera toàn bộ, kinh phí khoảng 60 triệu đồng. Trụ sở Huyện ủy đang chuẩn bị lắp camera. Riêng các con đường ở Cần Giuộc, người dân tự góp tiền lắp camera an ninh, mỗi xã người dân góp vài trăm triệu đồng lắp khắp các tuyến đường. Đợt tết vừa rồi, tình hình an ninh trật tự ở Cần Giuộc chuyển biến tích cực một phần từ tác động của camera an ninh. Kẻ xấu thấy camera cũng ngán ngại làm việc xấu. Người dân lưu thông trên đường, có camera lái xe cũng phải chuẩn hơn. Có camera,  cán bộ và dân nếu “chưa chuẩn” sẽ tự điều chỉnh vì luôn có con mắt thứ ba giám sát.

Ông Nguyễn Văn Thiệp - Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc, tỉnh Long An

Có lắp, sẽ có cách lách

Tôi thấy bây giờ, nhiều trường học lắp camera, nhất là trường mầm non tư thục, chất lượng cao. Nhưng các cô giáo vẫn đánh học sinh, kể cả ở những trường có lắp camera nên tôi nghĩ việc này chỉ mang tính hình thức. Có người trong nghề kể cho tôi nghe, muốn “né” camera dễ như chơi vì góc máy có soi chiếu được đến hết cả lớp, cả trường đâu. Vì thế, tôi nghĩ vấn đề là ở ý thức tự giác, sự tử tế, đạo đức nghề nghiệp của mỗi con người chứ không phải là vì “sợ” camera mà họ không dám làm sai. Khi đạo đức xuống cấp, sự tự giác cũng không còn.

Chị Nguyễn Thị Hằng (Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội)

Cán bộ nói sai, dân biết hết

Trước đây ở thị trấn có cái chợ “chồm hổm”, di dời giải tỏa khó khăn do chợ nằm sát công viên, chiếm lòng đường. Nhiều cán bộ không làm gương, cứ tiện đường tấp xe vô mua nên dân bắt chước. Tôi cho lắp camera ngay đầu chợ, vừa lắp xong thì không còn một cán bộ nào nào dám vô chợ chồm hổm nữa. Ở trụ sở UBND huyện, camera cũng được gắn nên không có chuyện cán bộ đi trễ về sớm, tác phong cũng phải chuẩn mực hơn. Ở phòng tiếp công dân, tôi tiếp người khiếu nại cũng có camera. Tôi mà có nói sai, thì dân giám sát và camera ghi lại hết.

Ông Trương Văn Điệp - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An