>> Hộp thầm kín: Tư vấn, giải đáp những thắc mắc về tâm, sinh lý
Con trai tôi lập gia đình được 5 năm, từ khi mới 25 tuổi. Lúc đầu, chúng tôi ở chung, các cháu cũng sinh con nhỏ rồi lại mải làm ăn nên để con cho tôi một mình chăm sóc. Tôi cũng thương con dâu còn vụng dại, con trai còn mải chơi nên đã cố gắng chăm lo cho các cháu. Sáng gọi các cháu dậy đi làm, nấu đồ ăn sáng, chiều đón cháu từ nhà trẻ, rồi cơm nước cho cả nhà. Ngay cả phòng riêng của các cháu cũng là do tôi thu vén, dọn dẹp.
Nhưng càng ngày con dâu tôi càng bộc lộ ý “không hài lòng” về mẹ chồng. Cháu cho rằng tôi can thiệp quá sâu vào đời tư, nuông chiều con, làm hư cháu. Rất tiếc những điều cháu “nói vụng” sau lưng lại đến tai tôi. Tôi thực sự rất sốc. Chúng tôi đã họp gia đình, nói chuyện nghiêm túc. Hoá ra những điều tôi dốc tâm, dốc sức làm cho con cháu đúng là đổ xuống sống xuống bể, “làm cản trở hạnh phúc các con”, “bao bọc thái quá”, giúp đỡ thế chỉ khiến con trai (con tôi) không lớn lên được, khiến vợ chồng trẻ lục đục. Ngay cả con trai tôi cũng tỏ ý bất bình. Tôi thấy tình thương, công sức của mình bỗng nhiên vô nghĩa.
Hai vợ chồng tôi rất giận đã đồng ý cho hai đứa con thuê nhà ra ở riêng. Tuy vẫn thương nhưng đã hơn nửa năm nay tôi cũng không muốn nhìn mặt hai đứa, chỉ thương đứa cháu. Hồi tết hai đứa đến nhà tôi cũng chỉ lạnh nhạt ra tiếp như khách. Trong lòng tôi vẫn đau đớn, không hiểu tôi đã sai ở đâu mà lại bị các con trách móc, oán hận như vậy?
Trần Thị Đức (Bắc Ninh)
Ảnh minh họa
Tơ Hồng gỡ rối
Có lẽ chị đã bị sốc khi công sức, đặc biệt là tình cảm yêu thương, bao bọc vô bờ của một ngưòi mẹ lại không được các con ghi nhận và đánh giá đúng. Nếu chị hành động như một người mẹ thì chị không có gì sai. Vì bất cứ người mẹ yêu con nào cũng mong muốn được chăm lo, bao bọc con mình cho dù con bao nhiêu tuổi. Nhưng nếu là một người bạn của con, chị sẽ hiểu và bao dung cho suy nghĩ của con, đặc biệt là con dâu. Dù còn trẻ, còn vụng dại nhưng cô dâu đó cũng đã là vợ, là mẹ, cũng có nhu cầu như chị (mẹ chồng) được có quyền thu xếp, chăm sóc, gây dựng gia đình cho riêng mình.
Cho dù chị có nói rằng, cùng sống trong một ngôi nhà, mọi thứ là của chung thì đó cũng vẫn chỉ là ngôi nhà của chị, với sự sắp xếp, bài trí và tuân theo cách mà chị muốn. Thậm chí muốn ăn một món ăn mình thích cũng khó vì mẹ chồng đã “an bài” tất cả.
Nếu chị làm chủ tất cả, chị bao bọc con từ bữa ăn tới giấc ngủ, rồi ngày ngày vào phòng riêng của con để dọn dẹp thì thực sự đã can thiệp quá sâu vào đời sống riêng. Liệu con trai có lớn, có là người đàn ông trụ cột trong gia đình được không khi sáng chị vẫn gọi con dậy đi làm, chiều gắp thức ăn cho con như khi con còn 5-7 tuổi?.
Chính vì thế mà con dâu của chị thấy ngột ngạt, thấy vai trò làm vợ, làm mẹ của mình bị lấn át. Cô ấy cũng không thích chồng mình quá dựa dẫm, ỉ lại vào mẹ. Liệu chị có thể chăm lo cho con được mãi? Nếu rời xa chị, con chị không có khả năng chăm sóc bản thân mình thì làm sao chăm sóc nổi vợ con? Vì thương con, chị đã làm thay cả phần làm vợ làm mẹ của con dâu, làm mất cơ hội thể hiện vai trò làm chồng, làm cha của con trai.
Sự ấm ức của con dâu chị là ở chỗ đó. Có thể cách nói của các con chị chưa khéo léo khiến anh chị tổn thương, tự ái. Nhưng việc cho con chị ra ở riêng là hết sức hợp lý. Việc sống xa cha mẹ, tự xây dựng một gia đình riêng sẽ giúp các con học cách chịu trách nhiệm về gia đình của mình. Con dâu chị cần thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của mình, con trai cũng biết giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng với vợ. Cho dù còn vụng dại trong việc chăm sóc con, thu xếp gia đình nhưng đó là gia đình của mình, chắc chắn con trai và con dâu chị sẽ cảm thấy hài lòng hạnh phúc. Lúc đó, các con sẽ hiểu được công sức và tình cảm của cha mẹ. Chị nên lấy làm mừng vì con đã trưởng thành.
Anh chị nên dẹp qua tự ái, thi thoảng đến thăm, tâm sự, cho các con những lời khuyên về cuộc sống. Nếu chị cảm thấy quá buồn chán vì không có con để quan tâm thì nên rủ chồng đi chơi, đi du lịch, tìm các thú vui của tuổi già. Con cái sẽ đến lúc lớn và xa rời cha mẹ, cha mẹ chỉ còn đóng vai trò như “khách mời danh dự” chứ không còn là chủ nhà, là người cầm trịch nữa.
Nếu bạn có phương án giải quyết những rắc rối tâm, sinh lý trong cuộc sống hay đơn giản chỉ cần nơi bày tỏ những nỗi niềm khó giải tỏa, hãy gửi mail cho Hộp thầm kín ở địa chỉ hopthamkin@danviet.vn, bạn sẽ nhận sự chia sẻ của các chuyên gia cũng như những lời khuyên chân thành nhất. |