Dân Việt

Tăng hiệu quả lúa thu đông ở ĐBSCL

15/07/2011 02:38 GMT+7
(Dân Việt) - Theo kế hoạch từ các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năm 2011, sẽ xuống giống lúa thu đông khoảng 600 nghìn ha, tăng gần 100 nghìn ha so với năm 2010.

Việc gia tăng diện tích sản xuất này nằm trong giải pháp tăng 1 triệu tấn lương thực theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để sản xuất lúa thu đông đạt được kết quả khả quan, cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Xuống giống lúa thu đông hàng năm dễ bị mưa, ngập nước làm chết giống phải sạ lại, do vậy ngoài việc tuân thủ lịch xuống giống tập trung, né rầy theo dự báo của cơ quan bảo vệ thực vật, cần khuyến cáo thêm những dự báo về tình hình thời tiết và diễn biến mưa; đồng thời điều tra, nắm bắt tình hình đê bao, tổ chức gia cố bờ bao, bờ thửa, chuẩn bị máy bơm để bơm chống ngập úng.

img
Bón phân đúng thời kỳ và nhu cầu cây lúa cho năng suất cao.

2. Chủ động sử dụng các giống lúa ngắn ngày (tốt nhất là giống dưới 90 ngày), nhất là ở những vùng chịu ảnh hưởng của lũ.

3. Thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự báo tình hình dịch bệnh, theo dõi diễn biến rầy di trú để phục vụ cho việc chỉ đạo xuống giống và bảo vệ, chăm sóc tốt cây lúa, thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm và phòng trị kịp thời dịch hại.

4. Sử dụng phân bón:

- Đối với phân đạm, cần hạn chế bón thừa. Phân đạm được bón theo bảng so màu lá lúa bón phân ngay khi màu lá nhạt hơn dãy màu chuẩn ứng với từng nhóm giống lúa.

- Cần tính toán và khuyến cáo bón phân cân đối, tiết kiệm, bón phân theo 4 đúng, sử dụng phân chậm tan.

Cần ý thức việc bón nhiều phân không hẳn là tốt, cây lúa có nhu cầu về phân bón, nhưng lượng phân cần chia nhỏ và bón nhiều lần (3 - 4 lần/vụ). Trong vụ thu đông trời âm u, việc hấp thu phân bón của cây lúa thấp hơn các vụ lúa khác, cần phải lưu ý đến tình trạng của cây để bón phân. Cần bón phân cho cây lúa đúng theo thời kỳ và nhu cầu của cây.

Nếu sử dụng phân NPK chuyên dùng thì bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nếu sử dụng phân đơn thì có thể áp dụng theo công thức sau: 80N – 50 P2O5 – 30 K2O; cụ thể 140kg urea, 85kg DAP và 50kg KCl cho mỗi ha. Chia làm các lần bón như sau:

- Lần 1: 8 – 10 ngày sau sạ; bón 50kg urea + 45kg DAP + 25kg kali/ha.

- Lần 2: 16 – 20 ngày sau sạ; bón 50kg urea + 40kg DAP/ha.

- Lần 3: 38 - 42 ngày sau khi sạ; bón 40kg urea + 25kg kali/ha.

(Lưu ý trước khi bón phân đón đòng (30 – 35 ngày sau sạ) nên rút nước ra khỏi ruộng, khi thấy 2/3 số cây chuyển từ màu xanh sang màu vàng thì đưa nước vào và tiến hành bón phân).

Lúc lúa thu đông trổ chín cũng đã bắt đầu vào cuối mùa mưa, cần xem tình trạng của lúa để có thể bổ sung thêm một số loại phân bón qua lá.