Người nhà Chủ tịch UBND phường làm “trùm”
Qua điều tra của phóng viên Dân Việt, việc mua ruộng xảy ra ở tất cả các tổ trong phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên, với hàng trăm nghìn m2. Có nhiều phần ruộng mua mấy năm nay nhưng chỉ để hoang. Người mua ruộng chủ yếu là Nguyễn Thành Trung - Em trai Chủ tịch phường Thịnh Đán Nguyễn Hữu Quang".
Theo ông Nguyễn Văn Bộ (tổ 3, phường Thịnh Đán), năm 2010, ông bán cho ông Nguyễn Thành Trung 680m2 đất ruộng với giá 250 triệu đồng. Từ đó đến nay, ông Trung không hề sản xuất nông nghiệp trên diện tích này.
Ông Bộ tiếc nuối vì đã bán mảnh ruộng với giá rẻ cho em trai ông Chủ tịch phường. |
Ông Bộ bảo: “Gia đình tôi có mảnh ruộng, ông Trung hỏi mua với giá cao. Cần tiền, họ viết giấy tờ sẵn, tôi bán luôn, tôi nghĩ họ mua để trồng lúa. Ai ngờ sau đó tôi mới biết, ông Trung mua nhiều đất ruộng để chuyển đổi làm nhà. Hiện nay số đất mà ông Trung mua đã được san phẳng, chờ chuyển đổi thành đất thổ cư”.
Qua quan sát, tìm hiểu thực địa của chúng tôi, mảnh ruộng ông Bộ bán cho ông Trung sắp tới có dự án làm đường đi qua, theo đó sẽ được đền bù nhiều hơn so với giá gốc khi mua đất ruộng.
Bức xúc trước việc đất ruộng bị bán tràn lan, ông Nguyễn Duy Lợi - Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Thịnh Đán chia sẻ: Người dân trong tổ tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, bán đất ruộng đi, giờ họ không biết làm gì để sống. Nhiều người có tiền đổ xô vào mua, người làm ruộng cứ thấy lợi là bán nhưng hậu quả sau đó là khôn lường.
Ông Lợi cho biết thêm, tổ 4 có khoảng 4 người bán đất cho ông Trung, còn các tổ khác thì nhiều, hơn nhất là ở tổ 4, 5, 6. Tại cánh đồng Cạt, ông Trung mua khoảng 40.000m2. Ông Trung còn nhờ chị gái ruột là Liên và con trai chị Liên tên Long đứng tên trong hợp đồng mua bán đất ruộng của người dân. Bên cạnh người nhà Chủ tịch phường Thịnh Đán, rất nhiều doanh nghiệp cũng vào mua đất ruộng rồi bỏ hoang .
“Em tôi mua bao nhiêu cũng được!”
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán - người được cho là “bình phong” cho chị gái và em trai trong việc mua đất nông nghiệp, cũng như tiết lộ các dự án sắp tới trên địa bàn. Ông Quang thản nhiên trả lời: “Việc mua gom đất nông nghiệp của người nhà tôi là hết sức bình thường”.
Khi được hỏi về việc người dân nghi ngờ việc bất thường trên là có ông tư vấn, ông Quang cho biết: “Đúng rồi! Thực ra tôi nghe việc này mấy năm nay rồi, chứ không phải bây giờ. Tôi nhắc nhở thường xuyên em tôi mua đúng pháp luật, không cấm mua, có tiền thì mua. Luật người ta cho phép điều đó, thậm chí mua 10, 20 mẫu cũng bình thường. Nếu em tôi mua sai, không đúng đối tượng thì tôi chịu trách nhiệm”.
Dù quả quyết là phường luôn quản lý, nắm rõ các hoạt động mua bán đất ruộng, nhưng khi đề cập việc người nhà ông và một số doanh nghiệp mua ruộng xong bỏ hoang đón đầu dự án thì ông Quang ngần ngại trả lời: “Cái đó chúng tôi đang tìm hiểu”.
Được biết hiện nay, trên địa bàn phường Thịnh Đán có khoảng 12 - 13 dự án sắp triển khai và đều có “dính dáng” đến các phần đất mua bán trên.
Phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Nguyễn Thành Trung mua đất ruộng, thửa số 147, 149, tờ bản đồ số 25, tại tổ 20, phường Thịnh Đán sau đó làm “bìa đỏ” đứng tên chính chủ với diện tích 2 thửa là 558m2, mục đích sử dụng đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đến năm 2020, được cấp ngày 5.6.2009. Lấy lý do sử dụng đất trồng lúa không hiệu quả, ông Trung làm đơn xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng (sang trồng quất cảnh, quất ăn quả) vào ngày 19.11.2010, kèm theo “cam kết sử dụng đúng mục đích”. Tất nhiên, các loại giấy tờ đều có chữ ký xác nhận của ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch phường (anh trai ông Trung).
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau đó chuyện trồng quất cảnh lại bị gác lại. Ông Quang lại xác nhận vào đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất vườn với ý kiến kèm theo “Nhất trí và đề nghị các cấp xem xét giải quyết cho gia đình ông Trung” rồi gửi UBND TP. Thái Nguyên. Quan sát thực tế của phóng viên cho thấy, tại khu đất trên không hề sản xuất gì mà đã được đổ đất san mặt bằng, để hoang lâu nay.
Tại buổi làm việc với báo chí về vấn đề này, ông Lê Kim Phúc - Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên cho biết: Hồ sơ đủ điều kiện chuyển nhượng đất nông nghiệp phải đảm bảo đủ điều kiện, hộ đó phải là hộ gia đình nông nghiệp, đất được sử dụng phải tiếp tục được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, mua bán phải có chứng thực của phường. Cấp phường mà chứng thực sai cũng phải chịu trách nhiệm. Các thông tin mà báo chí cung cấp, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu và cho kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Thắng Quang