Dân Việt

Tích cực giải quyết đất sản xuất cho người dân Tây Nguyên

15/07/2011 02:19 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 14.7, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2011 tại TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.

Vấn đề được quan tâm nhất là các tỉnh Tây Nguyên đang ồ ạt giao hàng trăm nghìn ha đất, rừng cho các doanh nghiệp tư nhân sử dụng không hiệu quả, trong khi người dân lại đang thiếu đất sản xuất gay gắt.

Theo báo cáo, chủ trương trồng mới 100.000ha cao su tại Tây Nguyên có một số hiệu quả nhất định như thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho lao động nhưng đã “bật đèn xanh” cho việc giao đất tràn lan. Cùng với chương trình cao su hóa đất rừng là quá trình chuyển sở hữu đất - rừng cho tư nhân (trong vòng 50 năm hoặc lâu hơn nữa) thông qua các dự án đầu tư nông - lâm nghiệp.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau một thời gian chững lại vì nhiều lý do, gần đây việc giao, cho thuê đất rừng lại diễn ra ồ ạt, liên tục với quy mô lớn hơn. Hiện Tây Nguyên đang cho triển khai 93 dự án trồng cao su, trồng rừng với tổng diện tích lên đến 52.000ha. Có những xã phải gồng gánh đến 20 dự án triển khai cùng lúc như Quảng Trực (Tuy Đức), Đạ Chais (Lâm Đồng)...

Điều đáng nói là không ít doanh nghiệp không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm trồng cao su vẫn được giao đất với diện tích lớn nên đã bỏ đất hoang, hoặc bán lại dự án để kiếm lời. Điển hình là tại Đăk Nông có 33 dự án được giao, cho thuê tới 31.566ha đất rừng, nhưng đến năm 2010 mới trồng được 3.686ha.

Trong khi các tỉnh giao đất ồ ạt cho doanh nghiệp thì hàng nghìn hộ dân tại chỗ lại thiếu đất canh tác, nhất là các hộ mới tách và hộ không thuộc Chương trình 134 (riêng Đăk Lăk có 4.506 hộ thiếu đất). Điều này dẫn đến tình trạng khiếu kiện, hoặc phản ứng tiêu cực như kéo nhau đi phá rừng. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên luôn kêu rằng địa phương thiếu quỹ đất tái định cư các dự án thủy điện, thiếu đất thực hiện Chương trình 134, Chương trình ổn định dân cư...

Kết luận hội nghị, Đại tướng Lê Hồng Anh - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của toàn vùng Tây Nguyên (kể cả các địa phương tiếp giáp) từ nay đến cuối năm 2011 là tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển sản xuất; tích cực giải quyết đất ở và đất sản xuất, việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; tăng cường công tác bảo vệ rừng. Các địa phương cũng phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giải quyết tốt vấn đề an ninh nông thôn...

* Sáng 14.7, tại TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL 2001-2010”. Giai đoạn 2001-2010, bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đạt 11,7%, tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 17,8%…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ yêu cầu: Trong 10 năm tới, vùng cần nâng cao hơn nữa chất lượng phát triển cơ cấu kinh tế để nâng cao đời sống người dân. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Ngoài ra, cần tập trung quan tâm đến công tác đào tạo lao động, nhất là đối với lao động ở nông thôn để đưa lao động vào phục vụ ở các khu công nghiệp.