Dân Việt

Bức xúc về thiếu trường mầm non

15/07/2011 06:10 GMT+7
(Dân Việt) - Sáng 14.7, các thành viên UBND TP.Hà Nội đã trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về những vấn đề bức xúc của thủ đô. Trong đó, vấn đề thiếu trường mầm non được nhiều đại biểu đặt ra.

Theo giải trình của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, mỗi xã, phường hoặc khu đô thị có 8.000-10.000 dân phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập. Tuy nhiên, nhiều khu vực có mật độ dân số cao như ở quận Ba Đình, quận Đống Đa chưa đủ số trường công lập. Thậm chí, có những phường ở nội thành chưa có trường mầm non nào. Ngoài ra, bình quân số học sinh trong lớp mầm non nhiều nơi trên 50, có nơi trên 60.

img
Phụ huynh chen chân từ nửa đêm chờ nộp đơn xin học mầm non cho con tại quận Ba Đình.

Nguyên nhân của tình trạng trên là dân cư cơ học tăng quá nhanh. Tại một số quận, một số khu đô thị mới, trong vòng 3-5 năm qua, dân số có nơi tăng gấp đôi hoặc hơn, dẫn đến quá tải.

Tuy chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân, song bà Ngọc khẳng định, hiện 100% số học sinh mầm non có nhu cầu học tập đều có chỗ học, trong đó 85,5% học trường công lập.

Chưa thỏa mãn với giải trình của bà Ngọc, ĐB Bùi Đức Hiếu đặt câu hỏi: Bao giờ mới có đủ trường mầm non ở 21 khu đô thị mới khi hiện nay mới có 13 trường? ĐB Nguyễn Mai Sương đặt vấn đề cần làm rõ trách nhiệm của thành phố khi nhận bàn giao khu đô thị mới từ các nhà đầu tư mà chưa hoàn thiện nhà trẻ, mẫu giáo, các công trình phúc lợi.

ĐB Nguyễn Thị Thuỳ nêu thực trạng báo động khi có trường bình quân số trẻ lên tới 62-67 mỗi lớp, cá biệt có lớp trên 70 cháu. ĐB Đỗ Trung Hai chất vấn về mức thu học phí quá chênh lệch hiện nay giữa mầm non công lập và tư thục.

Tiếp nhận hàng loạt câu hỏi “nóng”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tỏ ra điềm tĩnh và lần lượt giải đáp. Theo bà, Chính phủ có nghị định yêu cầu trường công lập tiếp nhận 80% số trẻ học mầm non trên địa bàn. Nhưng ở Hà Nội, do sự quan tâm của thành phố và nhờ điều kiện phát triển kinh tế xã hội nên đã đảm bảo cho trên 85% học sinh học công lập.

"Thành phố đã xin phép Bộ GDĐT chuyển 507 trường dân lập thành công lập. Đây là sự ưu ái đúng mức đối với bậc học giáo dục mầm non" - bà Ngọc nói. Đối với khoảng 15% số học sinh còn lại, bà Ngọc cho rằng, nên theo hình thức xã hội hóa để người dân có điều kiện lựa chọn loại hình trường lớp phù hợp với con em mình.

Đối với khu đô thị mới, bà Ngọc cho hay, các trường mầm non ở đây đang xây dựng, trong thời gian tới sẽ phủ hết 21 khu này. Về học phí chênh lệch giữa trường công trường tư, nguyên nhân là quy định của Luật Giáo dục, học phí công lập do HĐND thành phố quyết định còn dân lập là theo thoả thuận với phụ huynh. Bà Ngọc cũng chia sẻ khó khăn với công nhân lao động tại khu công nghiệp: Hiện nay có 110.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp, nhiều công nhân lập gia đình và không có nơi giữ trẻ. Thành phố đã nắm bắt được thực trạng này và đã có chủ trương giải quyết.

Trao đổi thêm về chủ đề này, bà Ngọc nêu ra giải pháp là tăng diện tích lớp học cho trẻ mầm non. Trong thời gian tới thành phố sẽ cho phép nâng tầng các trường ở nội thành. Khi duyệt dự án khu đô thị mới sẽ kiểm tra, siết chặt quy định diện tích xây dựng trường học...

Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá cao ý kiến trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc. Theo bà Thanh, trường học mầm non là vấn đề nóng ở nghị trường HĐND từ 2 năm trước khi hàng trăm phụ huynh phải thức trắng đêm giành suất học cho con. Hiện, khá nhiều vấn đề đã được UBND giải quyết song vẫn còn nhiều thách thức.

Về việc xử lý các dự án “treo”, đB Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội đặt câu hỏi: Căn cứ vào hành lang pháp lý nào mà UBND thành phố không thu hồi ngay những dự án chậm triển khai sau 12 tháng hoặc không hoàn thành sau 24 tháng kể từ khi được giao đất theo đúng quy định của Luật Đất đai, mà thay vào đó lại phê bình rồi gia hạn cho các chủ đầu tư?

Ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố trả lời: Quan điểm của UBND thành phố khi kiểm tra, rà soát các dự án, các chủ đầu tư không phải mục tiêu duy nhất là thu hồi. Vì chính quyền quản lý Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ, tạo ra môi trường đầu tư để giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu họ vi phạm nghiêm trọng mới thu hồi chứ không phải thấy vi phạm là thu hồi ngay". Rất nhiều đại biểu chưa thỏa mãn với cách trả lời "có vẻ lý thuyết" của vị Phó Chủ tịch thành phố.