Lúa chết khô, dân khát nước
Những ngày này, hàng nghìn ha lúa đông xuân ở huyện Ba Tri (Bến Tre) đang khô héo vì thiếu nước tưới. Theo người dân nơi đây, tình trạng trên đã diễn ra vài tháng qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Diện tích lúa trên đồng coi như mất trắng, người dân chỉ còn biết nhìn cây lúa khô héo từng ngày.
Sáng 22.2, gặp chúng tôi, lão nông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp An Nhơn (xã Vĩnh An, huyện Ba Tri) chỉ về hướng 2.000m2 lúa của mình, giọng buồn so nói: “Các chú thấy không, nền đất nứt nẻ từ lâu, cây lúa trở nên khô cháy. Những ngày qua, tôi chỉ biết đứng nhìn những đồng vốn của mình bỏ trên đồng… bốc hơi đi”.
Xe bồn chở nước đi đổi cho người dân ở huyện Bình Đại, Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Xây
Cũng theo ông Lâm, ông chưa bao giờ chứng kiến cảnh khô hạn khốc liệt như hiện nay. Không hy vọng cứu vãn vụ lúa nên ngày nào ông Lâm cũng ra đồng cắt dần diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ đòng về cho bò ăn.
Rời khỏi đồng lúa ông Lâm, chúng tôi tìm đến nhiều hộ dân khác trong ấp An Nhơn và đều nhận được những lời than trách đau lòng. Do phần lớn những hộ dân nơi đây đều nuôi bò nên người dân đành “bấm bụng” cắt lúa đem về chất đống cho bò ăn thay cỏ.
“Khoảng 17ha lúa trong ấp đều bị thiệt hại 100%. Lúa ở giai đoạn mạ non thì chết rụi, ở giai đoạn lớn hơn được nông dân tận dụng đem về cho bò ăn, chứ không còn cách nào khác” – ông Nguyễn Văn Xem - Trưởng ấp An Nhơn thông tin.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, tình trạng hạn, mặn cũng làm cho sinh hoạt của người dân huyện Ba Tri bị đảo lộn. Thay vì bơm nước giếng hoặc lấy nước sông lắng phèn, người dân nơi đây phải đổi (mua) nước với khoảng 100.000 đồng/m3 (giá cao hoặc thấp hơn là tùy thuộc đoạn đường vận chuyển). Nhiều hộ dân cho biết, tình trạng đổi nước sinh hoạt diễn ra sớm hơn các năm trước 2 tháng và có khả năng kéo dài khi không có mưa, khiến kinh tế gia đình trở nên vô cùng khó khăn.
“Lúa chết khô ngoài đồng, không thu hoạch được, chủ các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đòi tiền mà không có trả nữa (người dân mua thiếu, đến cuối vụ trả - PV), lấy đâu ra tiền để đổi nước đây. Chỉ còn cách đi hỏi mượn người thân, hàng xóm, thiếu gì cũng được, thiếu nước khó lắm mấy chú ơi” – bà Trần Thị Hai ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri than khổ.
Cũng như huyện Ba Tri, hình ảnh chiếc xe bồn chở nước đi đổi cho người dân và hình ảnh lu nước cạn trong nhà đang ám ảnh người dân ở huyện Bình Đại. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn ngụ ấp Giồng Kiến (xã Phú Long, huyện Bình Đại), ngày nào gia đình ông cũng phải đổi nước ngọt về sử dụng. Đến nay, ông đã mua hơn 10 xe nước ngọt (1 xe khoảng 1,7m3 nước) với giá gần 1 triệu đồng.
“Nước bị nhiễm mặn nên rất ngứa khi tắm, bắt buộc người dân nơi đây phải mua nước ngọt về sử dụng với giá đắt. Nếu tính trung bình, mỗi gia đình 4 người sử dụng tiết kiệm nhất cũng phải 3 - 4 xe/tháng, tính ra chi phí rất nhiều” - ông Tuấn chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 2 huyện trên, rất nhiều hộ dân thuộc các xã như Thạnh Phong, Thạnh Hải, Mỹ An, An Thạnh của huyện Thạnh Phú cũng đang trong tình cảnh khan hiếm nước ngọt sinh hoạt. Nước ngọt sinh hoạt được ví như… vàng vì rất đắt.
Đối phó không kịp thiên tai
Nếu như người dân ở các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang hay Kiên Giang quen với cảnh hạn, mặn như từng xảy ra ở những năm trước, thì 2 địa phương là Hậu Giang, Vĩnh Long - vốn nằm sâu trong nội đồng, trong lịch sử chưa bao giờ bị ảnh hưởng - cũng bất ngờ khi mặn xâm nhập vào sâu khiến người dân trở tay không kịp.
Người dân ấp 7, xã An Thủy, huyện Ba Tri đang thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Huỳnh Xây
Thay vì cây trái xum xuê, trúng mùa, nhiều diện tích cây ăn trái ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) - vùng trọng điểm sản xuất cây ăn trái nổi tiếng ở nam sông Hậu - khô héo dần vì mặn bao vây từ trong Tết Nguyên đán đến nay. “Vùng này cách cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) hơn 70km, lại tiếp giáp với TP.Cần Thơ nên chưa bao giờ xảy ra mặn, vậy mà bây giờ lại xuất hiện. Để bảo vệ vườn cam 4.000m2 của gia đình, tôi phải túc trực ngày đêm đóng kín các cống ra vào, phòng khi nước len lỏi xâm nhập vào khi nào không hay. Nếu sơ hở, mặn sẽ làm cây chết dần, khó thay thế cây gì khác vào được” – ông Lê Thanh Tâm, ngụ thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành nói.
Cũng như ông Tâm, anh Huỳnh Văn Được (ngụ cùng thị trấn Mái Dầm) cho biết, do không nghĩ rằng mặn xâm nhập và do mải ăn tết nên 3.000m2 vườn cam của anh đã bị vàng lá, nhiều cây có hiện tượng rụng lá và trái non. Trước thực trạng trên, anh chỉ còn biết bơm nước ra khỏi vườn và chờ khi nào nước ngoài sông ngọt trở lại mới bơm ngược vào.
Theo Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, đất phù sa nơi đây chưa khi nào nước mặn xâm nhập nhưng năm nay, mặn đã đến các con sông ở thị trấn Mái Dầm, xã Phú Hữu, xã Phú Tân… khiến ngành nông nghiệp không kịp đối phó. Về tình trạng mặn xâm nhập vào địa bàn huyện, ông Trần Quang Hành - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành lo âu nói với chúng tôi: “Mặn không những xuất hiện bất ngờ mà còn đến sớm và diễn ra gay gắt. Trước mắt, huyện đã cho đóng 501 cống ngăn lũ để bảo vệ gần 10.000ha vườn cây ăn trái”.
Không riêng gì huyện Châu Thành, hiện nay, nước mặn đã lấn sâu vào các địa phương khác của tỉnh Hậu Giang như Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ và TP.Vị Thanh... với độ mặn trung bình là 2‰ và được dự báo mặn sẽ tăng cao trong những ngày tới.
Cũng như các tỉnh trên, từ Tết Nguyên đán 2016 đến nay, nhiều người dân huyện Trà Ôn, Mang Thít và Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long cũng đứng ngồi không yên vì lần đầu tiên nước mặn “ghé thăm”.
Anh Nguyễn Hữu Cảnh ngụ xã Chánh Hội, huyện Mang Thít cho biết, từ tết đến nay, gia đình anh đã chuyển sang dùng nước tinh khiết thay cho nước máy vì nước máy đã bị nhiễm mặn.
“Lần đầu tiên ở đây có tình trạng nước máy bị nhiễm mặn, không tắm hay rửa rau được, gia đình tôi đành mua thêm các bình nước tinh khiết để dùng” – anh Cảnh thông tin. Cũng như gia đình anh Cảnh, ngoài việc dùng nước tinh khiết, nhiều hộ dân lân cận tận dụng nước mưa ít ỏi còn lại để dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Ông Trương Tấn Được - Trưởng phòng NNPTNT huyện Mang Thít cho biết: “Tình trạng mặn đã ảnh hưởng đến 6 xã trong huyện. Trong đó, xã Chánh An và An Phước có độ mặn cao nhất lên đến 6‰.
Tình trạng này đã ảnh hưởng phần lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, vì vậy ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo người dân chủ động ngăn mặn bằng nhiều biện pháp…
Nắng ngày càng gay gắt. Mặn ngày càng vào sâu. Cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn, vất vả của người dân đất 9 rồng, lại càng quay quắt, vật vã trong cơn đại hạn. Chừng nào dân hết khát, lúa hết cháy khô... vẫn là câu hỏi chưa có hồi đáp...
Khô hạn, xâm nhập mặn còn kéo dài Đây là khẳng định của đại diện Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (KHTLMN) về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại ĐBSCL. Theo Viện KHTLMN, mùa khô 2015 – 2016 dòng chảy về đồng bằng ở mức cực thấp nên xâm nhập mặn sớm, sâu trên hệ thống sông, vùng ven biển ĐBSCL. Thời gian tới sẽ có nhiều đợt xuất hiện nước ngọt trên phạm vi từ 25 – 40km ở các cửa sông Mekong. Tuy nhiên, các đợt xuất hiện nước ngọt ở các cửa sông rất ngắn (khoảng 1 tuần) nên các địa phương cần tranh thủ tối đa phương tiện lấy nước ngọt. Hữu Ký |