Nhân dịp này, phóng viên báo Dân Việt đã trao đổi với ông Đinh Văn Thu (ảnh) – Chủ tịch UBND tỉnh về những dấu ấn mà địa phương này đã đạt được...
Thưa ông, sau 5 năm 2011-2015 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Quảng Nam đã đạt được những kết quả quan trọng nào?
- Có thể khẳng định, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt sự đồng thuận cao của người dân, sau 5 năm thực hiện Chương trình NTM, bộ mặt nông thôn của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều khởi sắt và chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, cái được lớn nhất chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn được tăng lên đáng kể, những vùng quê vốn nghèo nay đã thay da đổi thịt và ngày càng văn minh, hiện đại.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Nam đã tôn vinh cho nhiều tập thể, cá nhân và doanh nghiệp có những đóng góp to lớn cho phong trào xây dựng NTM.
Tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 21,108 triệu đồng/người/năm, tăng gần 11 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 9% (giảm trên 15% so với năm 2010). Đặc biệt, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung (204 xã) là 11,42 tiêu chí/xã, tăng 8,81 tiêu chí/xã so với năm 2010. Toàn tỉnh đã có 53 xã đạt chuẩn NTM, đạt gần 26% so với tổng số xã thực hiện Chương trình trên toàn tỉnh và hoàn thành vượt mức mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX.
Vào tháng 10.2015, Quảng Nam đã hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và đề nghị Trung ương thẩm định, xét công nhận huyện Phú Ninh đạt chuẩn huyện NTM, thị xã Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2015. Ngày 14.1.2016 vừa qua, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương đã về làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và các địa phương để thẩm tra hồ sơ, đánh giá huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đủ điều kiện để đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015.
Là tỉnh còn nghèo, nhưng Quảng Nam đã đạt được những kết quả khá ấn tượng và để lại nhiều dấu ấn trong xây dựng NTM. Ông có thể chia sẻ một vài cách làm hay, sáng tạo mang bản sắc riêng của Quảng Nam?
- Ngay khi bắt tay xây dựng NTM, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình một cách khá hiệu quả, như ban hành 18 nghị quyết chuyên đề, 03 Chỉ thị, 135 Quyết định, 07 đề án và trên 100 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác để triển khai thực hiện Chương trình và tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề về xây dựng NTM ở các cấp, các ngành. Nhờ đó đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo được sự đồng bộ, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến huyện, xã và thôn.
Đặc biệt, trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã cụ thể hóa bằng các văn bản mang tính đặc thù của địa phương như: Quyết định quy định tỷ lệ hỗ trợ, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng các công trình; nhất là các quyết định về hỗ trợ cơ giới hóa, hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi, dồn điển đổi thửa... Từ những hướng dẫn thực tế, Ban chỉ đạo các cấp đã có những chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, vận dụng linh hoạt và có cách làm phù hợp với đặc điểm của từng địa phương đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dưng NTM đã được đề ra.
Bên cạnh đó, để khuyến khích cho các địa phương và người dân tích cực tham gia xây dựng NTM, ngay từ khi triển khai thực hiện, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách và hình thức khen thưởng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, chung sức huy động mọi nguồn lực, phát động và dấy nên phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới”; qua đó, tỉnh đã kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc...
Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Vậy, những tập thể, cá nhân và doanh nghiệp có những đóng góp to lớn cho Chương trình xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015) sẽ được tuyên dương, khen thưởng như thế nào?
- Đến nay, UBND tỉnh đã tặng cờ thi đua cho 02 tập thể dẫn đầu phong trào thi đua trong xây dựng NTM... Riêng đối với 10/10 xã đạt chuẩn NTM năm 2014 (về đích trước 01 năm), ngoài tặng cờ thi đua thì các địa phương này được tặng thưởng công trình phúc lợi trị giá 01 tỷ đồng (cho 3 xã dẫn đầu) và thưởng công trình phúc lợi trị giá 500 triệu đồng cho 6 xã và tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho cho các tập thể, cá nhân có những đóng góp to lớn cho Chương trình.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho thị xã Điện Bàn đã có thành tích dẫn đầu phong trào thi đua trong xây dựng NTM (tiền thưởng 10 tỷ đồng); tặng Bằng khen cho 12 xã tiêu biểu nhất và 05 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015. Tại Lễ Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong phong trào “xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2015 do Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức (ngày 25.7.2015), Quảng Nam có 01 doanh nghiệp và 02 doanh nhân được tuyên dương.
Hiện nay, UBND tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ để xem xét, khen thưởng cho 61 tập thể và 46 cá nhân, đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2015 tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM sẽ sẽ tổ chức trong thời gian tới...
Thưa ông, hầu hết các xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM là các xã khó khăn. Vậy, tỉnh Quảng Nam có những mục tiêu và giải pháp hiệu quả nào để tiếp tục đưa các xã về đích đúng lộ trình đặc ra?
- Mục tiêu của Quảng Nam là đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí đạt chuẩn 14 - 15 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 8 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 2 - 2,5%.
Đến cuối năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã có 53 xã về đích NTM.
Ngoài ra, phấn đấu có thêm 01 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM để đến cuối năm 2020, có 02 huyện đạt chuẩn huyện NTM, 01 thị xã và 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 59 xã đạt chuẩn NTM (kể cả 03 xã không đạt chuẩn năm 2015).
Nhất là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 53 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 là 112 xã, chiếm 54,9% số xã.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và coi công tác vận động, tuyên truyền xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, mặt trận và hội đoàn thể các cấp...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, áp dụng KHCN vào sản xuất. Nhất là, triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, các huyện đồng bằng tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa...
Ngoài ra, thực hiện lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát huy hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng. Chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến vật kiến trúc, đất đai... Thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục hướng dẫn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế…