Cụ thể, phát biểu trước Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 23.2, ông Harry Harris tuyên bố, việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bố trí hàng loạt radar và xây dựng đường băng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam “đang làm thay đổi môi trường hoạt động ở Biển Đông” và làm "leo thang căng thẳng" trong khu vực.
Đô đốc Mỹ nhấn mạnh rằng, những động thái trên là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống trị Đông Nam Á.
“Tôi tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi bá quyền ở Đông Á", Đô đốc Harris nhấn mạnh khi được hỏi về mục đích của Trung Quốc.
Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Trước đó, nguồn tin trong chính phủ Mỹ đã xác nhận rằng, Trung Quốc vừa tiếp tục triển khai thêm máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh điều chiến đấu cơ tới hòn đảo và động thái lần này tiếp tục làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng về ý định của nước này, theo Reuters.
Đô đốc Harris cũng cho hay, ông ủng hộ việc Mỹ tiến hành tuần tra hàng hải và hàng không trên Biển Đông diễn ra thường xuyên hơn dù các tên lửa chống hạm DF-21 và DF-26 của Trung Quốc sẽ gây ra mối đe doạ đối với các tàu sân bay Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Mỹ có khả năng thực hiện những điều mà chúng ta cần phải làm, nếu hoàn cảnh bắt buộc”. Theo đó, Đô đốc Mỹ kêu gọi, Hải quân Mỹ cần đầu tư phát triển thế hệ tên lửa mới để đối phó với Trung Quốc.
Tên lửa HQ-9 Trung Quốc triển khai phi pháp tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Những tuyên bố của Đô đốc Mỹ được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Tại cuộc gặp này, ông Vương Nghị biện minh rằng, các động thái quân sự của Trung Quốc không đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông đồng thời Bắc Kinh cùng các láng giềng Đông Nam Á có khả năng "duy trì ổn định trong khu vực".
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Kerry lên án những hoạt động của Trung Quốc đã tạo nên “chu kỳ leo thang căng thẳng" ở Biển Đông.
“Điều đáng tiếc là tên lửa, máy bay chiến đấu và các khẩu pháo đã xuất hiện ở Biển Đông, gây lo ngại lớn đối với việc lưu thông qua khu vực này, cũng như với những bên phụ thuộc vào Biển Đông để phát triển thương mại một cách hoà bình”, ông nhấn mạnh.
Trước cuộc gặp trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố nói rằng, việc nước này triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông cũng tương tự như những gì Mỹ làm tại Hawaii.
Ngay sau đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest đã lên tiếng bác bỏ bình luận của phía Trung Quốc.
"Không quốc gia nào khác ngoài Mỹ có quyền tuyên bố chủ quyền đối với Hawaii. Nhưng khi xem xét các đặc điểm trên Biển Đông, nhiều quốc gia đã đưa ra các tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Mỹ không tham gia trong tranh chấp chủ quyền. Chúng tôi khuyến khích các bên giải quyết vấn đề theo cách hoà bình, hợp pháp và tránh đối đầu cũng như leo thang căng thẳng trong khu vực", ông Josh Earnest phát biểu ngày 22.2.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest.
Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines… bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế.
Trong vòng một tuần trở lại đây, Trung Quốc ngang nhiên chỉ ra hàng loạt động nghiêm trọng như đưa tên lửa đất đối không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xây dựng hàng loạt radar trên 4 hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm...
Những động thái trên khiến các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế quan ngại, Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.