Cụ thể, HLV Trần Bình Sự nói: “Tất cả những ai am hiểu bóng đá khu vực Đông Nam Á đều biết bóng đá Thái Lan có lực lượng rất “dày”, họ hơn hẳn “phần còn lại”, trong đó có bóng đá Việt Nam 1 bậc. Tôi nghĩ, HLV nội khó có ai dám nhận mục tiêu vô địch SEA Games. Chỉ có HLV ngoại còn lơ mơ mới dám nhận. Họ cứ nhận thế, không làm được thì lại nghỉ là cùng”.
Việc VFF buộc HLV Hữu Thắng nhận mục tiêu “HCv SEA Games 2017” chẳng khác gì bắt anh… “đánh bạc”. Ảnh: I.T.
Thực tế, việc VFF và HLV Hữu Thắng phải lùi thời gian ký hợp đồng chính thức dự kiến vào ngày 19.2 sang đầu tháng 3 là vì chưa tìm được tiếng nói chung về chỉ tiêu đi kèm với mức lương. Đã đành nếu cứ “gật đầu bừa” thì trước mắt, Hữu Thắng sẽ được rất nhiều. Nhưng như vậy lại trái với tính cách của anh, người luôn đặt danh dự, uy tín lên số 1, chứ không phải… tiền! Chưa ai quên cái ngày nhận “tái xuất giang hồ”, nhận lời bầu Hiển dẫn dắt Hà Nội T&T ở lượt về V.League 2009. Ngày ấy, bầu Hiển hỏi Thắng muốn lương bao nhiêu sẽ “ok” tất. Nhưng đáp lại, Hữu Thắng khi đáp: “Anh cứ để em làm đã, làm tốt rồi anh muốn cho bao nhiêu thì cho”.
Ở đây, phải nhận thấy rõ cái mục tiêu “HCV SEA Games” do ông Đoàn Nguyên Đức – Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF đặt ra là rất… chủ quan duy ý chí. Và Thể thao Việt Nam đã nhiều lần thất bại khi đặt chỉ tiêu ở đấu trường ASIAD, Olympic cũng chính vì cách làm này. Thật lạ đời khi công tác đào tạo trẻ không có gì thay đổi, cứ ra đấu trường lớn chỉ hy vọng “cầu may”, vậy mà Thể thao Việt Nam lúc nào cũng đặt mục tiêu kỳ này cao hơn kỳ trước. Ví dụ Olympic trước đã có huy chương thì lần sau trắng tay sẽ là thất bại. ASIAD trước có 3-4 HCV, ASIAD sau có 1-2 HCV là bị coi đã thua. Mà đúng là thua thật! Nhưng đó là bước lùi của cả nền thể thao chứ không của riêng vị HLV, lứa cầu thủ cụ thể của một môn thể thao nào, trong đó có bóng đá.
Thử hỏi, có ai ở VFF lúc này biết thật rõ bóng đá Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, và thậm chí là Đông Timor… thực sự có gì ở độ tuổi 1995-1996, độ tuổi sẽ được coi là U22 dự SEA Games 2017? Đó là chưa kể tới chuyện trong khoảng 2 năm sắp tới, các đội bóng trong khu vực còn có sự biến động về lực lượng như trào lưu nhập tịch cầu thủ, tài năng mới, chấn thương… Ngay cả lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… được coi là điểm tựa cho mục tiêu “HCV SEA Games” cũng chẳng ai dám chắc 2 năm tới họ sẽ có phong độ tốt nhất (?!). Nói cách khác, lẽ thường, chỉ trước khi chính thức diễn ra giải đấu 1-2 tháng, những người trong cuộc mới có thể “định giá” chính xác về đối thủ và những gì mình có trong tay. Ép Hữu Thắng nhận mục tiêu “HCV SEA Games” ngay từ lúc này chẳng khác gì buộc vị HLV này “đánh bạc”.
Và trong trường hợp “nhắm mắt” nhận mục tiêu “HCV SEA Games”, bản thân Hữu Thắng chắc cũng phải cầu may, như cách HLV Calisto từng thành công ở AFF Cup 2008 với danh hiệu vô địch lịch sử! Dù sao, ở một đấu trường nhỏ như “ao làng” Đông Nam Á, xác suất may mắn vẫn cao hơn rất nhiều ở ASIAD, Olympic!