Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết như vậy khi thẩm tra Báo cáo nhiệm kỳ 2011 -2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chống tham nhũng chưa đạt mục tiêu
Chiều 24.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo nhiệm kỳ 2011 -2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trình bày Báo cáo, ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Trong nhiệm kỳ, cơ cấu Chính phủ ổn định với 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ năm 2011 đến nay đã đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 94,7%). Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành.
Chi phí “gầm bàn” dẫn đến sự trì trệ, khiến người dân bức xúc. Ảnh: I.T
Trong Báo cáo này, Chính phủ cũng thẳng thắn nêu rõ những hạn chế, yếu kém như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong một số trường hợp tính khả thi chưa cao. Tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm, chất lượng thẩm định còn thiếu tính bao quát, khả thi. Công tác phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật chặt chẽ. Giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao...
"Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi"- ông Nguyễn Khắc Định cho hay.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm.
"Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công…" - ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Sợ nhất chi phí “gầm bàn”
Góp ý vào Báo cáo, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện xã hội đang rất bức xúc về vấn đề tham nhũng, lãng phí. "Dân nói phòng, chống tham nhũng bây giờ lên đến dốc rồi, nếu vượt dốc thì sẽ đi qua khó khăn" - ông Giàu ví von.
Trong Báo cáo không thấy đề cập đến chiến lược biển, xây dựng kinh tế biển gắn với chiến lược bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm, đặc biệt là trong tình hình hiện nay”. Ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng ban Dân nguyện |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói thêm, ông xem một số tờ báo thấy thông tin các nhà đầu tư Nhật Bản vào nước ta nói sợ nhất chi phí "gầm bàn". "Chúng ta đang thu hút làn sóng đầu tư mới sau khi có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mà cứ để cho nhà đầu tư nói như thế sẽ làm giảm đi sức hút đầu tư "- ông Giàu bày tỏ. Đề cập đến vấn đề liên quan đến biển đảo, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nêu ý kiến: Trong Báo cáo không thấy đề cập đến chiến lược biển, xây dựng kinh tế biển gắn với chiến lược bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. "Đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, vì vậy Báo cáo cần đánh giá rõ, phân tích sâu sắc" - ông Hiền kiến nghị.
Cho ý kiến về một khía cạnh xã hội, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng: Nhà nước ta đã có những chính sách giải quyết tốt giảm nghèo, tuy nhiên khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Ông ví von, khi miền núi người dân có xe đạp, ở đồng bằng dân đã đi bằng ô tô. "Đây là vấn đề đáng báo động vì nó gây bất ổn xã hội. Ở quốc gia nào cũng vậy, khoảng cách này quá cao nó sẽ phát sinh bất ổn" - ông Ksor Phước cảnh báo.