Trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, Đô đốc Harry Harris chỉ rõ, ông sẽ tiến hành thêm các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải với mức độ phức tạp hơn ở Biển Đông.
Ông Harris nhấn mạnh, Mỹ phải tiếp tục hoạt động tại Biển Đông cùng với các đồng minh, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tàu khu trục USS Lassen thuộc Hạm đội 7 của Mỹ thường xuyên đi tuần trên Biển Đông.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ở Jakarta, Indonesia, Đại sứ Mỹ tại ASEAN bà Nina Hachigian cho biết, Washington có mối quan ngại lớn là việc Trung Quốc lại điều máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra những tác dụng ngược.
Bà Hachigian tái khẳng định quan điểm thống nhất của Mỹ về tự do hang hải, đồng thời cho rằng, Mỹ đã tiến hành những hoạt động này trên khắp địa cầu từ năm 1979, kể cả ở Biển Đông, và Biển Đông không thể là một ngoại lệ.
Trước đó, giới chức ở Washington tối 23.2 cho biết một nhóm chiến đấu cơ gần 10 chiếc của Trung Quốc đã xuất hiện trên đảo Phú Lâm.
Theo giới phân tích, động thái này càng khẳng định thêm ý đồ của Bắc Kinh là quân sự hóa Biển Đông. Theo chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, Trung Quốc đã nhiều lần đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, nhưng cần chú ý xem liệu Bắc Kinh sẽ cho các máy bay này đặt căn cứ lâu dài tại đấy hay không.