Dân Việt

“Công nghệ lăng xê quảng bá du lịch Việt Nam chưa tốt”

Thanh Hà (thực hiện) 25/02/2016 09:50 GMT+7
"Bộ VHTTDL đã giao cho Cục Hợp tác quốc tế là đầu mối khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” sang quay tại Việt Nam, nên về vấn đề này tôi chưa thể trả lời ngay được", phóng viên NTNN/Dân Việt phỏng vấn ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL.

img

Ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL.

Thưa ông, rất nhiều ý kiến cho rằng, thật tiếc khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” sang Việt Nam nhưng chưa thấy được sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình khi đoàn làm phim có 3 ngày chơi, tham quan Hà Nội, nhưng lại không có bữa tiệc, hay một cuộc giao lưu với khán giả truyền hình, có những chia sẻ về cảm nhận, con người đất nước Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

- Bộ VHTTDL đã giao cho Cục Hợp tác quốc tế là đầu mối khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” sang quay tại Việt Nam, nên về vấn đề này tôi chưa thể trả lời ngay được. Nhưng đúng như bạn nói, đây cũng là ý rất hay, ngay khi họ quay xong, nếu như họ đồng ý có những buổi trò chuyện với khán giả truyền hình Việt Nam chúng ta sẽ thực hiện. Bởi nếu như chúng ta tiếp đón tốt, hiếu khách, tạo được ấn tượng tốt tới đoàn làm phim, thì việc chúng ta hy vọng đoàn làm phim sẽ quay trở lại với những dự án tiếp theo là điều hoàn toàn có thể.

Vậy cụ thể Bộ VHTTDL đã có sự hỗ trợ như thế nào dành cho đoàn làm phim “Kong: Skull Island”?

- Bộ giao cho đơn vị đầu mối là Cục Hợp tác quốc tế, duyệt và cấp kịch bản khi họ gửi đến Bộ. Đồng thời Bộ cũng đã làm việc với các tỉnh, thành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn làm phim. Ngoài ra, Cục Hợp tác quốc tế cũng đã có những chuyến đi tiền trạm cùng đoàn làm phim và để có những đàm phán tốt nhất từ các địa phương.

Trước đó khi bộ phim “Pan và vùng đất Neverland” ra mắt, rất nhiều khán giả thế giới không biết những cảnh quay đẹp đó được quay tại Việt Nam. Điều đó cho thấy, việc quảng bá, truyền thông của các cơ quan quản lý của chúng ta còn quá yếu kém?

- Tôi thừa nhận, công nghệ lăng xê quảng bá du lịch Việt Nam chưa thật sự tốt. Và điều này chúng ta cần rút kinh nghiệm nhiều nữa. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, những bộ phim đến Việt Nam quay, chưa hẳn tất cả các bộ phim chúng ta được quyền lăng xê nếu như chúng ta không có thỏa thuận tốt, trước đó.

img

Hồ Yên Phú, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình - nơi quay “Kong: Skull Island”

Nếu như họ chưa đồng ý cho chúng ta tuyên truyền, truyền thông khi họ đang thực hiện cảnh quay thì chúng ta sẽ không thể truyền thông hay quảng bá được. Ví dụ đoàn làm phim “Kong: Skull Island”, khi làm việc với Bộ VHTTDL đã yêu cầu chúng tôi giữ bí mật tuyệt đối bối cảnh để tạo sự bất ngờ khi bộ phim ra rạp.

Và liệu rằng, sau đoàn làm phim này, Bộ VHTTDL đã có tầm nhìn xa như Thái Lan, Hàn Quốc, chấp nhận chi mạnh tay để lôi kéo các nhà sản xuất phim thế giới, đặc biệt Hollywood đến Việt Nam làm phim?

- Bộ VHTTDL rất mong muốn điều này, tuy nhiên để có sự cởi mở, chào đón đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm phim thì không chỉ một mình Bộ VHTTDL mà có thể quyết định. Ở đây còn liên quan tới nhiều bộ, ban ngành khác. Bởi mỗi bộ, ban ngành quản lý một lĩnh vực, nếu như không có sự đồng thuận, tiếng nói chung từ các bộ, ngành thì sẽ gặp khó khăn cho dự án quảng bá như thế này.

Tôi nói ví dụ, đoàn làm phim “Kong: Skull Island” đến Việt Nam, không chỉ hàng trăm con người êkíp của đoàn, mà những đạo cụ, súng, thuốc nổ, máy bay, thuyền cao tốc, hàng trăm máy liên lạc vô tuyến… nếu như không có sự đồng ý của các cơ quan chức năng thì Bộ VHTTDL cũng không thể quyết định và chúng ta có muốn quảng bá du lịch Việt Nam đến như thế nào cũng không thể quảng bá được.

Rồi chính sách thuế, tạm nhập, tái xuất hàng hóa từ Bộ Công Thương cũng được tạo điều kiện thuận lợi. Có thể nói, ở dự án lần này, Bộ VHTTDL đã nhận được sự chỉ đạo, ủng hộ từ Chính phủ nên các bộ, ban ngành và các tỉnh, địa phương đã vào cuộc và có sự đồng thuận cao. Tôi cho đấy là bước đầu thành công trên con đường quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh.

Xin cảm ơn ông!