Chiến lược trên đất khó
Chúng tôi về Tiến Thành, cùng tản bộ với ông Nguyễn Hữu Đại - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành trên con đường bê tông phẳng phiu, ông Đại cho biết: “Tiến Thành đang thay da đổi thịt từng ngày, đó là nhờ cách làm đổi mới, sáng tạo của chính quyền, nhất là sự đồng thuận, nhất trí cao của quần chúng nhân dân trong xây dựng NTM”.
Tiến Thành là xã trẻ, mới thành lập năm 2009 (tách ra từ xã Mã Thành vốn “nổi tiếng” là vùng đất khó khăn nhất của huyện Yên Thành). Nhận thấy trồng lúa sẽ không cho thu nhập cao nên xã đã thành lập Ban xây dựng chiến lược phát triển kinh tế. Ông Đại nói: “Việc đầu tiên mà chúng tôi hướng đến là chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau khi khảo sát và nghiên cứu, Ban chiến lược thấy một số hộ dân trồng cây nhân trần cho thu nhập cao nên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng nhân trần nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp”.
Chuyển đổi trồng cây dược liệu đã giúp người dân xã Tiến Thành thoát nghèo và làm giàu.
Ảnh: Tiến Dũng
Chiến lược thứ 2, theo ông Đại đó là phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Theo đó xã đã tiến hành xây dựng quy hoạch các khu trang trại tập trung cho từng loại trang trại theo hướng ưu tiên cấp đất công ích, đổi đất canh tác của các hộ dồn thành thửa lớn tạo quỹ đất làm trang trại có tính ổn định lâu dài để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển trang trại.
Quê nghèo “lột xác”
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng nhân trần, ông Nguyễn Văn Tuất - xóm trưởng xóm 6A cho biết: “Từ khi chính quyền xã khuyến khích trồng cây nhân trần, thu nhập của bà con khá lên trông thấy. Cây nhân trần rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên dễ trồng, chi phí đầu tư ít, thời gian sinh trưởng chỉ 3,5 - 4 tháng. Nếu chăm sóc tốt, 1 sào đạt 2,5 - 3 tạ khô, giá bán từ 7 - 8 triệu đồng/tạ. Hiện, xóm có 140 hộ trồng nhân trần với diện tích hơn 25ha. Nhờ nhân trần mà bà con đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.
Hiện nay Tiến Thành đã xây dựng được 50 mô hình trang trại kinh tế tổng hợp: Chăn nuôi trâu, bò, gà lợn, nuôi ong lấy mật và trồng rừng…; 20 gia trại quy mô theo hướng VietGAP. Các trang trại ở Tiến Thành đã và đang phát huy được hiệu quả kinh tế, tổng doanh thu một năm đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/trang trại, gia trại”. Ông Nguyễn Hữu Đại |
Theo báo cáo của Ban nông nghiệp Tiến Thành, toàn xã có hơn 60ha gieo trồng nhân trần. Loại cây dược liệu này đã dần thay thế cây lúa, trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Đáng chú ý, mô hình kinh tế trang trại, gia trại đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại đây. Chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi trang trại tổng hợp của anh Trần Đình Thuội ở xóm Tân Tiến.
Anh Thuội cho biết, gia đình anh đã mạnh dạn nhận thầu 20ha đất rừng và vay vốn trồng các loại cây nguyên liệu như bạch đàn, tràm, keo và đầu tư nuôi gà, bò, trồng cây ăn quả. Hiện hàng năm, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/ năm.
Trang trại của anh Hà Danh Nam xóm Cửa Thờ cũng là một trong những trang trại có tiếng tăm ở Yên Thành. Từ 2 bàn tay trắng, nhờ cần cù, siêng năng và táo bạo trong chăn nuôi, đến nay Nam đã có trang trại gà quy mô với 4 khu chính gồm: Khu nuôi gà thịt, khu nuôi gà đẻ, khu ấp trứng, khu nuôi gà con từ 1 ngày tuổi. Tổng đàn gà anh Nam hàng năm khoảng 6.000 con, trong đó có 2.000 con gà đang cho trứng để ấp lấy giống, mang lại lãi ròng trên 400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với tiền công 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.