Dân Việt

Tìm đường đưa nông sản độc, lạ xuất ngoại

Huỳnh Xây 26/02/2016 06:43 GMT+7
Sau Tết Nguyên đán, nhiều nông dân chuyên sản xuất, tạo hình nông sản “độc - lạ” ở đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tìm tòi, học hỏi để cải tiến sản phẩm. Kế hoạch thời gian tới, họ sẽ phối hợp, đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài giới thiệu.

Học hỏi, cải tiến sản phẩm

Anh Huỳnh Thanh Tâm ngụ ở ấp Phú Nhơn (thị trấn Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là “cha đẻ” của sản phẩm dừa in chữ chìm nghệ thuật vừa được bán lần đầu tiên trên thị trường Tết Nguyên đán 2016. Anh Tâm cho biết: Để cải tiến sản phẩm của mình được đẹp hơn, ưng ý hơn, anh đã tìm đến ông Võ Trung Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) để học hỏi thêm kinh nghiệm.

img

Sản phẩm bưởi bản đồ Việt Nam của ông Võ Trung Thành.  Ảnh: Huỳnh Xây

Theo anh Tâm, ông Thành là người đầu tiên ở Việt Nam dám nghĩ và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực tạo hình trái bưởi và sau này là trái đào tiên. Sau khi gặp ông Thành, anh Tâm đã học hỏi được rất nhiều điều, từ việc chọn, tạo khuôn ép lên trái cho đến cách giữ khuôn ổn định, tạo độ bóng cho trái và cách bán, bảo quản sản phẩm…

“Ở chỗ chú Thành, tôi học hỏi được nhiều điều mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến. Từ đó, tôi có thể đúc kết thêm kinh nghiệm để hỗ trợ cho mình trong việc in chữ chìm trên trái dừa của quê hương Bến Tre” – anh Tâm chia sẻ.

Cũng theo anh Tâm, ông Thành rất yêu nghề, tâm đắc với nghề, do cùng ở một lĩnh vực tạo hình và rất hợp “gu” nên 2 người trao đổi sôi nổi từ ngày đến đêm. Sau chuyến đi học hỏi kinh nghiệm từ Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A, anh Tâm đã có nhiều định hướng mới trong năm 2016 và kỳ vọng sẽ cho ra nhiều sản phẩm đẹp hơn, hoàn thiện hơn trong Tết Nguyên đán 2017 tới.

Cụ thể, anh Tâm cho biết sẽ tập trung phát triển nhiều sản phẩm dừa in chữ chìm và chữ nổi Tài – Lộc, dừa hồ lô và nghiên cứu tạo hình trên một số loại nông sản khác.

Cũng như anh Tâm, ông Trần Văn Chuông (ngụ ở khu vực Tân Hưng, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cũng đã đi tìm hiểu nhiều nơi để cải tiến sản phẩm dưa hấu vàng hồ lô của mình. Ông Chuông sẽ sử dụng một số loại khuôn ép mới với chất liệu tốt hơn, từ đó sẽ cho ra đời sản phẩm dưa hấu vàng hồ lô có chữ Tài, chữ Lộc hoặc có hình thỏi vàng.

 Tìm cách đưa sản phẩm “độc -lạ” xuất ngoại

Thời gian qua, phần lớn sản phẩm tạo hình “độc – lạ” được các thương lái, doanh nghiệp ở miền Tây và nhiều nơi trên cả nước đến mua, rồi đưa sang nước ngoài bằng con đường tiểu ngạch. Việc mua bán này không “ăn chắc” vì nhiều hợp đồng bị “bẻ kèo”, giá bán tại vườn còn thấp nên nhà vườn chưa thực sự yên tâm đầu tư làm lớn, từ đó đầu ra chưa ổn định.

Ông Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam) nhận định, để đưa sản phẩm nông sản “độc - lạ” ra nước ngoài thì trước hết, người tạo ra sản phẩm trên phải tìm hiểu được nét văn hoá cũng như nhu cầu của quốc gia mà họ muốn bán. Tuy nhiên, việc này cần phải tính toán kỹ vì nông sản tạo hình mang tính nghệ thuật cao, phục vụ chủ yếu vào tết cổ truyền của Việt Nam, quốc gia bạn cũng khó có thể tiếp nhận.

Ông Thành cho biết: Thời gian qua, đã có nhiều thương lái “bẻ kèo” khiến sản phẩm của ông khó bán hoặc khi bán xong, người mua hẹn lần hẹn lữa không trả tiền. Kế hoạch trong năm 2016 này, ông và một số người bạn đam mê tạo hình trái cây sẽ phối hợp đưa sản phẩm ra nước ngoài giới thiệu thông qua sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

“Có thể, chúng tôi sẽ đem sản phẩm qua nước bạn giới thiệu. Sau này khi cần, họ sẽ gọi điện đặt hàng. Đây là cách giúp sản phẩm sáng tạo của chúng tôi được nhiều nơi biết đến” – ông Thành nói.

Cũng như ông Thành, ngoài việc hoàn thiện, cải tiến sản phẩm, ông Chuông cũng muốn các cơ quan chức năng ở địa phương hỗ trợ đưa sản phẩm tạo hình trái cây của mình ra nước ngoài. Không những bán trong Tết Nguyên đán, những sản phẩm của ông có thể phục vụ cho các mùa lễ hội lớn trong năm ở nước bạn.

Nói về việc đưa sản phẩm tạo hình “độc - lạ” ra nước ngoài, anh Tâm cho biết, trước mắt phải tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống, sở thích của quốc gia mình muốn hướng tới. Từ đó sẽ nghĩ và tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dân. “Chẳng hạn như sản phẩm dừa in chữ chìm của tôi, vào dịp lễ hội bên Campuchia, họ thích chữ gì theo ngôn ngữ họ, tôi sẽ in chữ đó thì mới có kết quả, mới giới thiệu được” – anh Tâm nói.