Dân Việt

“Dám nhận trách nhiệm, mới dám giải oan cho người dân”

Ngọc Lương 26/02/2016 06:15 GMT+7
"Viện Kiểm sát (KS) có quyết tâm nhận trách nhiệm thì mới dám công nhận sai để giải oan cho người dân. Có những vụ án kéo dài hàng chục năm và trong thời gian vừa qua Viện KS đã quyết tâm giải quyết".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý đã đánh giá về công tác giải oan cho người dân.

Truy tố nhiều vụ đại án

Ngày 25.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công nhiệm kỳ của ngành tòa án và Viện KS. Về công tác giải quyết những vụ án có dấu hiệu oan sai, theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, ngành KS đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp T.Ư tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng.

img

Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm thụ án tù oan. Ảnh: T.L

Một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, điển hình như vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội)…

Góp ý cho báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, trong việc khắc phục oan sai và giải oan cho người dân, nếu Viện KS không quyết tâm thì rất khó làm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc chống oan sai không phải chỉ đến giai đoạn xét xử mới làm. Việc phê chuẩn các quyết định của Viện KS phải chính xác, cố gắng tránh nhiều lần gia hạn tạm giam, kéo dài thời gian điều tra, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án.

"Một người bị giam trong nhà tù cả gia đình họ cũng khổ, bởi phải đi lại thăm nom, được ra công khai minh bạch xét xử người ta yên tâm. Chính vì vậy Viện KS cần  kiên quyết hơn nữa trong quá trình giám sát hoạt động  giam giữ" - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, báo cáo cần làm rõ hơn vai trò của Viện KS trong thực hành chức năng công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. "Trong đó có vấn đề công tố để điều tra, truy tố những tội phạm của các chức danh trong các cơ quan tư pháp, đặc biệt là  tội phạm tham nhũng xảy ra các cơ quan tư pháp và các cơ quan khác".

Còn thiếu tính răn đe

Về báo cáo nhiệm kỳ của ngành tòa án, theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, trong 5 năm qua, các toà án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, trong đó nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được khẩn trương đưa ra xét xử.

Góp ý cho báo cáo này ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu quan điểm:  Tính răn đe trong việc xét xử các vụ án tham nhũng trong nhiệm kỳ này lúc đầu cũng bị đại biểu Quốc hội kêu ca, sau đó ngành tòa án có điều chỉnh lại và nâng dần tính răn đe lên. Ngoài tính răn đe, thì tính phòng ngừa và giáo dục qua công tác xét xử các vụ án tham nhũng cần phải được nâng cao hơn.

Liên quan đến án oan, theo báo cáo của ngành tòa án, trong nhiệm kỳ qua có 3 trường hợp tòa cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội. Tuy nhiên sau đó tòa cấp phúc thẩm xét xử đã tuyên hủy án sơ thẩm và tuyên bị cáo không phạm tội. So với nhiệm kỳ trước giảm 2 trường hợp.

Trong nhiệm kỳ qua, các tòa án đã thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án; đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng với tổng số tiền phải bồi thường là gần 11 tỷ đồng; đình chỉ giải quyết 8 trường hợp, còn lại 2 trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết. Các tòa án cũng đã thụ lý 51 vụ án dân sự do đương sự khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đã giải quyết, xét xử 39 vụ, còn lại 12 vụ đang trong quá trình xem xét, giải quyết.

Kỳ họp Quốc hội thứ 11 có 4 mảng nội dung

Tổng kết phiên họp lần thứ 45 khóa XIII của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết ngày 21.3 tới sẽ khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Kỳ họp này dự kiến sẽ gồm 4 mảng nội dung chính, đó là về xây dựng pháp luật, tổng kết nhiệm kỳ, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và công tác nhân sự của Nhà nước.