Dân Việt

"Những chấn thương tâm lý hiện đại" bóc trần thói xấu

Mai An 26/02/2016 06:43 GMT+7
Những chấn thương tâm lý hiện đại” dày 224 trang, sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn là cây viết quen thuộc từng gắn bó rất nhiều năm trên báo NTNN với các bài viết bình luận về thói hư tật xấu của người Việt, chuyện làng chuyện phố. Những bài báo được in trên báo vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần ấy, đã được ông tập hợp cùng với một số bài viết trên các báo khác để đưa vào tập sách phiếm luận: “Những chấn thương tâm lý hiện đại” dày 224 trang, sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Con người thời hiện đại hiện lên qua những bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn thật xộc xệch, tội nghiệp. Những thói quen xấu xí như đi lại vội vã, như cướp giật, nói năng ồn ào hỗn hào, ăn uống tiêu pha hoang phí, quỵ lụy cầu cạnh thần thánh, thiếu niềm tin ở bản thân, cư xử với đồng loại thì càng ngày càng phi nhân văn… Đó là những nét vẽ phác thảo tưởng như sơ lược, đơn giản và có phần hơi… áp đặt nhưng vô cùng thấm thía được chắt ra từ một bộ óc quan sát tinh tế và một trái tim đầy ắp xót thương.

img

Đọc tất cả bài viết trong cuốn sách “Những chấn thương tâm lý hiện đại”, chúng ta sẽ lý giải vì sao ngày càng nhiều vấn đề trong xã hội lộn tùng phèo. Không có gì bất ngờ cả, mọi chuyện đều có gốc tích của nó, giống như một cái cây không thể xanh tươi từ một bộ rễ èo uột, ốm yếu. Một đất nước với đầy rẫy những vết thương từ hai cuộc chiến tranh, những bất ổn tâm lý cứ từ từ đè lên hàng ngày, sự hoang mang về triết lý sống và mắt thấy, tai nghe những chuyện ngang ngược, trớ trêu đã biến những con người thành một bản sao lỗi của chính mình.

Chúng ta- những con người tưởng như đang được thụ hưởng sự văn minh khi sống trong một xã hội mà phương tiện kỹ thuật hiện đại đủ đầy, xe hơi, máy bay, điện thoại đắt tiền, của ngon, vật lạ nhưng rốt cuộc vẫn thấy bấp bênh, bất an và nơm nớp lo toan, sợ sệt, bởi cái phần hồn trong rất nhiều người đang trống rỗng, đang như một thửa ruộng bị bỏ hoang cho cỏ dại mọc đầy.

Chỉ cần lướt qua những tít bài đầy hàm xúc trong tập sách đã đủ thấy những vấn đề người viết đặt ra rất hấp dẫn: “Những tù nhân của lợi ích trước mắt”; “Hỗn loạn trong giao thông hỗn loạn trong tâm lý”; “Từ tham lam, nông nổi đến càn rỡ, bất lương”; “Nối lễ hội vào…trụy lạc”; “Cái đúng hôm qua nay không đúng nữa”; “Chống tham nhũng kiểu Chí Phèo”; “Một ngàn lý do để mãi mãi lãng phí”…

Tác giả đã có đôi lời tự bạch về cuốn sách của mình: “Khi cảm thấy có một mối liên hệ rõ rệt giữa ngày hôm nay với thời gian đã qua, cũng là lúc người ta có thể sáng rõ hơn trong việc nhìn nhận chung quanh, nhẹ nhàng hơn trong việc chấp nhận mọi diễn biến của đời sống trước mắt”.

Đó có thể xem như một lời an ủi chính mình, một lời tự động viên. Nhưng tốt hơn cả vẫn là làm thế nào để chúng ta không phải chứng kiến những chấn thương trong tâm lý của chính mình như thế nữa? Khó ai có thể trả lời. /.