Năm ngoái, tôi từng có dịp đến Nhật Bản. Ở vùng quê Kitakata, ngoài thú vui thưởng thức quốc tửu sake của Nhật, tôi còn một mong ước khác là được ngắm hoa anh đào trên chính quê hương của loài hoa này.
Anh đào nở mùa hạ
Tiếc rằng, khi tôi đến Nhật thì vừa hết mùa anh đào nở nên những hiểu biết của tôi xung quanh quốc hoa Nhật Bản chỉ gói gọn trong lời kể của cô hướng dẫn viên vui tính Imaizumi nói tiếng Việt rất sõi và cực khoái món... thịt chó chấm mắm tôm khi sang Việt Nam mấy năm để học ngôn ngữ.
Các nữ cầu thủ Nhật Bản đang có cơ hội vô địch World Cup nữ 2011. |
Imaizumi cho biết: Hoa anh đào được gọi là “sakura”, thường nở vào mùa xuân là cách gọi lái từ “sakuya” trích từ tên nữ thần Konohana- Sakuya- hime, một vị thần được nhắc đến trong cuốn lịch sử “Cổ sự ký” (Kojiki) của Nhật.
Theo truyền thuyết, nữ thần này chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ (Fuji) nên được coi là nữ thần Sakura. Nữ thần này có sắc đẹp mê hồn nên loài hoa sakura khi nở cũng mang vẻ đẹp như thế. Sakura có rất nhiều loài, trong đó tiêu biểu là 6 loài gồm: Yamazakura, Oyamazakur, Oshimazakura, Edohigan, Kasumizakura và Someiyoshino.
Cách đây ít ngày, gặp Imaizumi trên mạng, tôi đùa: “Anh đào nở mùa hạ rồi Mỹ ơi (tên thân mật theo tiếng Việt của Imaizumi). Ở Đức, đang có loài hoa anh đào mới mang tên Nadeshiko, nở được 21 bông rồi đấy”. Tưởng Imaizumi không hiểu, ai ngờ cô trả lời ngay: “Đội tuyển nữ Nhật đá hay quá anh ơi. Đấy chính là hình ảnh tiêu biểu của phụ nữ Nhật ngày nay đấy”.
“Phụ nữ Nhật ngày nay” của Imaizumi với “phụ nữ Nhật ngày xưa” trong tiến trình lịch sử có khoảng cách hàng trăm, thậm chí chỉ hàng chục năm trước, đúng là đã có quá nhiều thay đổi. Phụ nữ Nhật bây giờ vẫn thông minh, tinh tế, nhưng họ năng động, mạnh mẽ hơn nhiều và sự công nhận về bình đẳng giới của xã hội Nhật Bản với họ cũng khác xưa lắm.
Tại TP Kitakata, tôi ở cùng nhà với ông bà Ichiro- Natsuko. Hai ông bà có mỗi cô con gái rượu Ayumi thì cô này suốt ngày đi... đá bóng. Thời gian tôi ở Kitakata đúng thời điểm Ayumi đang cùng đội bóng đá nữ lên tỉnh thi đấu nên tôi cứ tiếc hùi hụi khi không được gặp gỡ “nữ danh thủ” này. Hỏi chuyện thì ông Ichiro cười xòa: “Con gái thích thì tôi cũng chẳng cấm. Mà bóng đá nữ Nhật Bản giờ phát triển lắm, có dịp, anh nhớ ủng hộ đội tuyển nữ Nhật Bản nhé”.
Chẳng để ý lắm vì tưởng ông Ichiro nói chơi, ai dè đến kỳ ASIAD tại Quảng Châu, đội tuyển nữ Nhật Bản đoạt luôn HCV và đến World Cup nữ 2011 đang diễn ra tại Đức, những đóa anh đào Nadeshiko (“Những cô gái xinh đẹp”, biệt danh của đội nữ Nhật) đã bung nở với vẻ đẹp hoàn mỹ để vượt qua mọi thử thách và sẽ chơi trận chung kết gặp đội tuyển Mỹ vào ngày mai (17.7) trên sân Commerzbank Arena.
Tạo nên kỳ tích từ “tinh thần Oshin”
Ngày xưa, nói tới phụ nữ Nhật là ai cũng nhớ tới những geisha với nét độc đáo mang đậm hồn cốt xứ Phù Tang. Ngày xưa, nhắc đến bóng đá nữ châu Á, ai cũng mặc định coi đội nữ Trung Quốc với biệt danh “Những bông hồng thép” là số 1.
Ngày nay, ít nhất là thời điểm này, nhắc tới phụ nữ Nhật nói chung và bóng đá nữ nói riêng, người ta có thể sẽ nhớ thêm Nadeshiko khi đội tuyển nữ Nhật Bản tạo nên những điều thần kỳ dựa trên tài năng, sự đoàn kết, lòng quả cảm mà không hề thiếu đi nét thùy mị, tinh tế của phụ nữ Á Đông.
Từ Bochum tới Leverkusen, từ Augsburg, Wolfsburg tới Frankfurt ở nước Đức, đội tuyển nữ Nhật Bản đã tạo nên các trận đấu giàu cảm xúc bởi sự thông minh, tinh tế và ý chí kiên cường.
Khi đối đầu với chủ nhà Đức ở trận tứ kết, cơ hội chiến thắng của Nhật coi như bằng không bởi suốt... 12 năm qua, đội nữ Đức bất bại tại các vòng chung kết World Cup với 2 danh hiệu vô địch. Nhưng trải qua 120 phút giao tranh, các cô gái Nhật đã biến đối thủ thành cựu nữ hoàng với bàn thắng quyết định của Maruyama. 4 ngày sau, ở trận bán kết gặp đội nữ Thụy Điển, đến lượt Kawasumi (2 bàn) và Sawa lập công để mang về chiến thắng 3-1 đầy bất ngờ nhưng xứng đáng cho đội nhà.
Sau chiến thắng thuyết phục 3-1 trước đội nữ Thụy Điển ở vòng bán kết, đội nữ Nhật Bản đã giương cao khẩu hiệu bằng tiếng Anh có nội dung: “Cảm ơn sự cổ vũ của bè bạn trên khắp thế giới”. Và cả thế giới cũng nên chúc mừng đội tuyển nữ Nhật Bản bởi nghị lực và những kỳ tích mà “Những cô gái xinh đẹp” đã tạo ra.
Ngày 12.5, trong trận đấu quốc tế đầu tiên (thua đội nữ Mỹ 0-2) sau thảm họa động đất và sóng thần tại quê hương, thủ quân Homare Sawa đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ không gục ngã sau nỗi đau. Chúng tôi sẽ nỗ lực vươn lên để khẳng định ý chí của người Nhật”.
Ý chí ấy của Sawa cùng các đồng đội đã được ghi nhận tại World Cup nữ 2011 và ngày mai, ở lần tái ngộ đội nữ Mỹ trong trận chung kết, không chỉ người dân Nhật Bản mà sẽ có hàng triệu cổ động viên trên khắp năm châu ủng hộ cho đội tuyển nữ Nhật Bản.
Đức Hiếu